Sàn treo công trình xây dựng phải được kiểm định trước khi vận hành

Hiện trường vụ sắt rơi làm chết người ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội)
Hiện trường vụ sắt rơi làm chết người ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội)
TP - Trao đổi với phóng viên, ông Bạch Quốc Việt - nguyên Trưởng phòng An toàn Lao động (Sở LĐ, TB&XH Hà Nội) cho biết, trước khi sử dụng vận hành sàn treo gondola tại các công trình xây dựng, phải kiểm định thiết bị về hệ thống an toàn, hệ thống cáp treo, khi đủ điều kiện mới được đưa vào sử dụng. 

Ngoài ra, công nhân trên các hệ thống sàn treo gondola  làm việc trong điều kiện có yêu cầu nghiêm ngặt nên phải có đủ sức khỏe làm việc trên cao, phải được tập huấn công tác an toàn lao động, được cấp thẻ an toàn lao động,… còn người sử dụng lao động phải xây dựng nội quy, quy trình và biện pháp đảm bảo an toàn khi làm việc với sàn treo này.

Nói về nguyên nhân dẫn đến một số sự cố rơi sàn treo vừa qua, ông Việt cho rằng, sàn treo gondola chủ yếu được sử dụng để nâng người lên cao làm công việc lau kính, lắp đặt cửa kính chứ không được mang vật liệu nặng, cồng kềnh như sắt thép  vì như thế sẽ dẫn đến quá tải. Ngoài ra, nếu sàn treo không được kiểm định dẫn đến việc lắp đặt có thể  không cân bằng, cáp nâng không đạt yêu cầu gây ra đứt cáp.

“Không có quy định về bán kính hoạt động của sàn treo gondola, nhưng khi lắp đặt phải mời cơ quan chức năng đến kiểm định xong mới được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, trong điều kiện gió to, trời mưa lớn,… thì các công trình cũng không được vận hành sàn treo” - ông Việt nói.
Theo ông Việt, phần lớn các công nhân lao động làm việc theo kiểu thời vụ, ngắn hạn và không qua trường lớp đào tạo. Đến khi vào công trình làm việc thì người sử dụng lao động không tập huấn an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ.

“Đa phần người lao động hiện nay đi mua giấy khám sức khỏe, mà trong quy định xây dựng những người làm việc trên cao từ 2m trở lên là làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Do vậy, người sử dụng lao động nhận các lao động này qua “cò” trung gian không thể biết được lao động có mắc bệnh tim, huyếp áp, sợ độ cao hay không dẫn đến tai nạn lao động khi làm việc trên cao” - ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, hiện nay các công trình xây dựng còn có “hội chứng” người lao động làm việc chỉ khoác áo mang logo công ty hoặc mặc áo phản quang dẫn đến mất an toàn. Ông Việt dẫn chứng, trước đó, sáng 20/8, tại công trình Tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ, nhà trẻ và căn hộ tại lô đất HH1 thuộc dự án The Sun Mễ Trì, khu đô thị Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra sự cố làm 2 người bị thương.

Theo người dân, khi công nhân tiến hành cẩu kéo vật liệu xây dựng lên tầng 33 của công trình thì cáp của cẩu bất ngờ bị đứt rơi thẳng xuống mái của nhà điều hành phía dưới. Do rơi từ trên cao, số vật liệu và sắt thép đã xuyên thủng mái nhà điều hành, trưng bày, khiến cho toàn bộ khu vực này bị hỏng hóc nghiêm trọng.

Một vụ việc tương tự khác xảy ra vào sáng ngày 7/5, tại tòa nhà cao tầng trong ngõ 178 Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Trong lúc các công nhân lắp đặt kính đang thi công tại công trình trên bất ngờ toàn bộ sàn treo xây dựng rơi xuống đường đi làm 3 người bị thương phải nhập viện cấp cứu.

MỚI - NÓNG