Nơm nớp, bất an với công trình xây dựng

Hiện trường vụ tại nạn khiến ba công nhân bị té tại Công trình Trung tâm thương mại Giga Mall
Hiện trường vụ tại nạn khiến ba công nhân bị té tại Công trình Trung tâm thương mại Giga Mall
TP - Liên tiếp những vụ tai nạn lao động ở các công trình xây dựng toà nhà cao tầng ở TPHCM dẫn đến thương vong trong khi hình thức xử phạt chủ sử dụng lao động chưa đủ mạnh khiến họ xem thường tính mạng của công nhân.

Ghi nhận của phóng viên, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM có đến hàng trăm công nhân làm việc nhưng công tác đảm bảo an toàn lao động, bảo hộ lao động cho công nhân vẫn bị các nhà thầu xem nhẹ.

Xem nhẹ an toàn lao động

Mới đây nhất, sáng 24/9, trong lúc các công nhân đang làm việc tại công trình Trung tâm thương mại Giga Maill trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thì bất ngờ phần lan can bảo vệ bên ngoài bị sập khiến 3 người rơi từ tầng 3 xuống đất trọng thương. Trước đó, công trình này cũng từng xảy ra tai nạn lao động khiến chủ đầu tư phải cắt hợp đồng với nhà thầu thi công.

Theo tìm hiểu, đơn vị thi công Trung tâm thương mại Giga Mall là Công ty TNHH xây dựng- Thương mại Thuận Việt. Tuy nhiên, công ty này lại thuê một đơn vị khác đưa công nhân vào để tháo dỡ giàn giáo công trình này. Trong lúc công nhân đang tháo dỡ, do chất quá nhiều vật liệu xây dựng lên phần gác chắn gây quá tải dẫn đến sự cố sập.

Không riêng gì công trình Giga Mall, trên địa bàn TPHCM hiện nay không khó để bắt gặp những hiểm nguy rình rập tại các dự án đang xây dựng. Người tham gia giao thông lo lắng mỗi khi đi ngang những chiếc cần cẩu treo lơ lửng hàng chục mét tại các công trình xây dựng, chỉ cần quá trình vận hành xảy ra sơ suất nhỏ là có thể dẫn đến tai nạn khôn lường.

Tháng 6 vừa qua, một gia đình gồm nhiều người sống bên cạnh công trình xây dựng cao ốc trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, hoảng hốt tháo chạy ra ngoài khi chiếc cần cẩu cao khoảng 50m của công trình bị gãy treo lơ lửng trên không, bên dưới là con hẻm của cư dân qua lại. Dù cơ quan chức năng ghi nhận vụ việc nhưng đến hai ngày sau, chiếc cần cẩu vẫn không được tháo dỡ khiến người dân không khỏi bất an.

Trước đó, một thanh niên đang đứng chờ mua hàng tại hẻm 666 đường 3 Tháng 2, phường 14, quận 10 cũng bị một thanh sắt dài khoảng 1 mét rơi từ công trình xây dựng Xi Grand Court trúng đầu khiến nạn nhân tử vong.

Xử nghiêm

Trước thực trạng hàng loạt công trình liên tục xảy ra sự cố, trao đổi với Tiền Phong, đại diện các sở ngành cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân.
Luật sư Hồ Minh Thanh - Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành đã quy định rõ công trình xây dựng buộc phải đảm bảo an toàn cho những người dân sống xung quanh. Nếu chủ đầu tư và nhà thầu phớt lờ các quy định an toàn, gây nguy hiểm cho người dân dẫn đến chết người, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý tội “vô ý làm chết người” chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm dân sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, buộc các chủ đầu tư và nhà thầu không thể xem nhẹ tính mạng của người dân và tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, TPHCM có hơn 400.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, với hơn 4,5 triệu lao động đang làm việc. Quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nên TP cũng “nhức đầu” với tai nạn lao động (TNLĐ). Năm 2017, trong tổng số hơn 1.500 vụ TNLĐ trên địa bàn thành phố có đến 122 vụ khiến 123 người chết (tăng 4 người so với năm 2016).

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM, TNLĐ không chỉ cướp đi sinh mạng của những người vốn là trụ cột kinh tế của gia đình, mà còn kéo theo những hệ lụy đau lòng khiến nhiều gia đình tan nát; cuộc sống của nhiều nạn nhân TNLĐ đã bị thay đổi một cách đột ngột theo chiều hướng xấu.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay sẽ tiếp tục thanh tra đối với các doanh nghiệp xảy ra TNLĐ để khắc phục các hạn chế, ngăn ngừa TNLĐ tương tự xảy ra hoặc tái diễn. Các doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động sẽ bị xử lý nghiêm; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra nếu xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Sở LĐTB-XH cũng yêu cầu phòng LĐTB-XH của 24 quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất thuộc các ngành, lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, nhất là lĩnh vực thi công xây dựng, ngành nghề sản xuất, sử dụng và tồn trữ nhiều hóa chất nguy hiểm, độc hại. 

Luật sư Hồ Minh Thanh - Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành đã quy định rõ công trình xây dựng buộc phải đảm bảo an toàn cho những người dân sống xung quanh. Nếu chủ đầu tư và nhà thầu phớt lờ các quy định an toàn, gây nguy hiểm cho người dân dẫn đến chết người, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý tội “vô ý làm chết người” chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm dân sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, buộc các chủ đầu tư và nhà thầu không thể xem nhẹ tính mạng của người dân và tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

MỚI - NÓNG