Lo ngại đầu kéo giảm tốc
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, năm 2023, động lực tăng trưởng của kinh tế trong nước đến từ việc mở cửa của Trung Quốc, và các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, 2 đầu kéo là xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng.
Quý IV/2022, dù GDP tăng trưởng 5,92%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 3% so với cùng kỳ 2021. “Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, lạm phát (CPI) còn gia tăng, giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức (mới chỉ đạt 85% kế hoạch năm), thanh khoản thị trường ngân hàng còn eo hẹp. Có thể nói, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn khi bước vào năm 2023”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Từ cuối năm 2022, tình trạng thiếu đơn hàng bắt đầu diễn ra. Ảnh: Như Ý |
Theo ông Lực, giải ngân vốn đầu tư công là thách thức cho năm mới, tổng vốn đầu tư quá cao so với sức hấp thụ thực tế. Ông Lực đặt vấn đề, nền kinh tế chỉ hấp thụ được khoảng hơn 400.000 tỷ đồng/năm, mà mục tiêu giải ngân đầu tư công 2023 Chính phủ đưa ra là 700.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công quá cao so với sức hấp thụ trên thực tế sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ, và thanh khoản của hệ thống tài chính.
Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là 6,3%. Ngân hàng Standard Chartered (Anh) dự báo GDP Việt Nam tăng 7,2%. Ngân hàng HSBC (Anh) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8%.
Với doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa; chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ, đầu tư công…
Về chính sách tài khóa, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, chính sách thiết kế tốt thì phải thực thi hiệu quả. Với Việt Nam, các chính sách tự động thực thi mà không cần qua bộ máy sẽ dễ thẩm thấu vào nền kinh tế, như việc giảm thuế có tác dụng ngay và có tác động thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Do đó, chuyên gia khuyến nghị, Quốc hội và Chính phủ cần linh hoạt hơn, có thể họp từng quý để đề xuất việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ để thực thi ngay.
Đa dạng hóa xuất khẩu
Ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng của ADB cho rằng, phải đến hết quý II/2023, việc mở cửa của Trung Quốc mới tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam ở các lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, khi Trung Quốc quay lại, Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước này.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng, năm 2023 sẽ rất khó khăn, dù vậy xuất khẩu vẫn là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mặt hàng nông sản vẫn có nhiều cơ hội, không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế thế giới. Ngược lại, dệt may hay sản phẩm linh kiện, điện tử sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố hơn các năm trước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Tiến độ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ là những vấn đề đáng lưu ý.
CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD; lạm phát sẽ ở mức 4,08%. Ở kịch bản lạc quan hơn, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn lên mức 6,83%, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%. Xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Còn theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, năm nay, tăng trưởng GDP kỳ vọng ở mức 6,5%.