Săn mực Vũng Áng

Săn mực Vũng Áng
TP - Ngư dân vùng ven biển Kỳ Anh - Hà Tĩnh đang vào vụ mực. Ngày ngủ, đêm thức trắng, để từng đoàn thuyền ra khơi. Ra biển săn mực, mới hiểu được vì sao ở đây lại có thứ mực cơm ngon đến như vậy, nhất là loài mực nhảy ở vùng biển Vũng Áng.
Chuẩn bị ra khơi
Chuẩn bị ra khơi.

Trắng đêm câu mực

Được sự giúp đỡ của Thắng - một tay câu mực lão luyện ở xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tôi theo thuyền ra khơi. Sau khoảng vài giờ đồng hồ hướng ra biển, mấy chục chiếc thuyền bắt đầu buông câu. Đêm giữa biển, gió thốc lạnh. Vì lần đầu thức trắng đêm giữa biển nên lử đử say sóng.

Dẫu biết săn mực là nghề kiếm cơm của hàng vạn ngư dân nghèo Kỳ Anh nhưng có đi tôi mới thấy được hết sự vất vả mà họ trải qua.

Để săn được mực ống, mực cơm, trước khi đi, chúng tôi đã chuẩn bị một cái vợt bằng lưới cước; 3-5 ống dây câu dài 40-50m; 2-3 ống thẻ.

Ống dây câu có hai loại. Một loại phía dưới dây câu gắn ba chiếc rường trông giống con tôm đầy màu sắc. Rường làm bằng chì hoặc nhựa phản quang, gắn chùm móc câu phía dưới. Thân rường được quấn giấy kim tuyến xanh, đỏ, tím, vàng để dễ bắt ánh sáng hắt ra từ đèn.

Khi chúng tôi bắt đầu thả rường thì một đoàn mực nhào tới. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, Thắng bảo, mực lao đến như thiêu thân là vì bị hấp dẫn bởi ánh sáng. Chúng quây lại thành vòng dưới ánh điện.

Loại ống câu thứ hai có gắn một chiếc rường bằng thép uốn thành chùm móc câu. Phía trên chùm móc câu khoảng một gang tay, Thắng móc vào một con cá tươi làm mồi rồi thả xuống lưng chừng nước và thỉnh thoảng đưa tay dò xem. Nếu thấy nặng tức là có mực bám vào con mồi.

Lúc đó, Thắng đưa nhẹ tay và giật mạnh về phía sau. Bị giật mạnh bất ngờ, mực tuột khỏi con mồi và bị mắc vào chùm móc câu đã được đính sẵn ở dưới.

Người câu phải thả rường xuống lưng chừng nước và thỉnh thoảng giật nhẹ cần câu để thu hút mực. Bị kích thích bởi chiếc rường câu lấp lánh, mực sẽ bám vào và dính câu ngay lập tức.

“Khi nào anh thấy có cảm giác nặng tay, dây câu dường như bị vít trở lại, có nghĩa là mực đã dính” - Thắng còn cho biết thêm, ngoài cách dùng hai loại rường để bắt mực ống, còn có một cách khác là đánh thẻ.

Thẻ làm bằng các mẩu ni lông màu kết thành con châu chấu được nối với nhau bằng sợi dây cước. Để giúp tôi, Thắng một tay giật thẻ, một tay cầm vợt sẵn sàng xúc những chú mực theo mồi lên sát mặt nước. Muốn bắt được nhiều mực, theo Thắng, phải dẻo tay và dùng vợt chính xác.

Những đêm nhiều mực, tay cứ thoăn thoắt biểu diễn hết đánh thẻ lại chuyển sang câu. Tiếng mực nhả bộng loẹt xoẹt nghe rất vui tai.

Dụng cụ để câu mực
Dụng cụ để câu mực.

Đến nửa đêm, thuyền chúng tôi đã có khá nhiều mực ống. Tuy nhiên, tôi chưa hề thấy một con mực lá nào.

Thắng cười bảo: Anh em mình đang đi đánh mực ống. Còn đánh mực lá phải chuẩn bị công phu hơn rất nhiều. Để ra khơi đánh mực lá, ngay từ đầu mùa (khoảng tháng Ba), ngư dân đã phải lên rừng chặt cây về làm bóng.

Bóng được làm bằng cách uốn các thân cây rồi cột lại vói nhau trông giống như chiếc chuồng gà nhỏ, phía ngoài được bao bọc bởi một lớp lưới, phía dưới gắn 3-4 cục đá để khi thả, bóng chìm xuống sát đáy biển.

Phía trên bóng phủ lớp lá cây đùng đình và một cuộn dây dài khoảng vài chục mét có gắn phao. Phía trong bóng, người ta dùng dây buộc vào một chùm trứng mực, cửa bóng giống như cửa chiếc đó để mực vào được mà ra không được.

Một thuyền đi đánh mực lá thường có hai người với số bóng mực từ dăm bảy chục đến hàng trăm chiếc bóng. Đến mùa, mực lá áp sát vào bờ để đẻ trứng.

Nắm được quy luật, ngư dân ven biển cho thuyền chở bóng ra thả. Mực lá gặp những chiếc bóng được ngụy trang là nơi lý tưởng để đẻ trứng, sẽ chui vào bóng và không thoát ra ngoài được.

Sau khi thả bóng xuống biển, đều đặn ngày hai lần (vào sáng sớm và đầu giờ chiều), người dân chạy thuyền ra kéo bóng lên kiểm tra.

Có mực thì mang về, thả bóng trở lại, hôm sau kiểm tra tiếp. Cứ như thế, mùa mực lá bắt đầu từ tháng Ba kéo dài đến hết tháng Chín.

Sau một đêm trắng, thuyền của tôi và Thắng đầy ắp mực. Tờ mờ sáng, vừa cập bến, các thương lái đã đổ ra mua sỉ. Họ nhanh chóng đưa đến các nhà hàng ven biển Kỳ Xuân, Kỳ Ninh, Vũng Áng, Đèo Con, các nhà hàng dọc theo Quốc lộ 1A và chợ trung tâm của huyện Kỳ Anh để bán lại ăn lời.

Độc đáo mực nhảy Vũng Áng

Nhiều thực khách đến cảng Vũng Áng chọn ngay món mực nhảy. Mực nhảy ở Vũng Áng không phải như mực nhảy ở Cửa Lò (Nghệ An) hay một số vùng du lịch khác vì ở đây mực được nuôi sống trước khi đưa lên chế biến.

Tại cầu cảng số một cảng Vũng Áng có hàng trăm biển hiệu đề bán mực nhảy . Ảnh: Phong Cầm
Tại cầu cảng số một cảng Vũng Áng có hàng trăm biển hiệu đề bán mực nhảy. Ảnh: Phong Cầm.

Theo một số chủ nhà hàng, cũng không hiểu vì sao nước biển ở Vũng Áng lại có thể nuôi được mực sống. “Nhiều người không tin, còn ra tận bè để yêu cầu vớt mực lên, lúc đó mới tin là mực đang sống” - một chủ nhà hàng nói.

Những ngày này tại Vũng Áng, có hàng ngàn du khách đến để thưởng thức món mực nhảy. Theo ông chủ nhà hàng, sở dĩ khách đến Vũng Áng đông có lẽ vì tò mò, họ không tin là cá mực có thể nuôi được sau khi được đánh bắt.

“Nhiều nhà khoa học cũng đã đến nghiên cứu. Có người còn nói hình như cả nước có mỗi Vũng Áng là vùng nước biển duy nhất có thể nuôi được mực sống” - một người bạn làm ở Phòng NN&PTNN huyện Kỳ Anh cho biết.

Món mực nhảy ở Vũng Áng không cần phải chế biến nhiều. Vớt từ bè lên, rửa sạch bằng nước ngọt, là có thể cho vào nồi để luộc. Cùng nước mắm nguyên chất nêm gừng và ớt, một đĩa lá lốt, vài chiếc bánh đa là có được bữa ngon. Mực thơm, dai, béo ngậy.

“Thế nhưng ít người biết rằng để có được mực sống nuôi, người ta phải dong mực từ ngoài biển vào bờ sau khi câu” - Thắng tiết lộ. Việc dong mực vào bờ hết sức vất vả, như kiểu trung tâm cứu hộ lai dắt tàu bị nạn.

Thuyền đi nhẹ, dây không được căng. Câu xong cứ phăm phăm phóng vào bờ thì mực chết cả. Chính vì thế mực ở Vũng Áng thường đắt hơn mực ở những vùng biển lân cận từ một đến hai trăm ngàn đồng mỗi ki lô gam.

Mặt trời xế bóng, từng đoàn ô tô chở khách du lịch vẫn nối đuôi nhau đổ về Vũng Áng. Các nhà hàng nổi nườm nượp người. Trên bàn ăn, đâu cũng thấy món mực nhảy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.