Sân bay Điện Biên: Từ phi trường khốc liệt đến sân bay hiện đại sau 70 năm
TPO - Sân bay Điện Biên tiền thân là sân bay dã chiến với tên gọi là sân bay Mường Thanh do quân đội Pháp xây dựng. Trải qua 70 năm lịch sử, sân bay ngày đó đã trở thành một cảng hàng không hiện đại của miền Bắc.
Video: Sân bay Điện Biên trở thành sân bay hiện đại sau 70 năm.
Sân bay Điện Biên tiền thân là sân bay dã chiến với tên gọi là sân bay Mường Thanh. Trước năm 1954, quân đội Pháp đã xây dựng sân bay này nhằm tăng viện quân lương, vũ khí cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: Tỉnh Điện Biên).
Sân bay Mường Thanh được ví như yết hầu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tại sân bay quân sự này có đến vài chục chuyến máy bay vận tải (C119) từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Gia Lâm (Hà Nội) hạ cánh để tiếp tế quân, lương và vũ khí cho quân viễn chinh Pháp. Nhiệm vụ của quân đội ta lúc đó là phải cắt đứt bằng được “cầu hàng không”, đường tiếp tế duy nhất này để đẩy quân Pháp vào tình thế cô lập. (Ảnh tư liệu: Tỉnh Điện Biên).
Theo các tài liệu được công bố, để đánh sân bay Mường Thanh, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của ta đã cử 5 đơn vị là Sư đoàn 312, 308, 316, 304 và 351 cùng tham gia. Trong đó, Sư đoàn 312 là đơn vị chủ công. Trong ảnh là các chiến sĩ quân đội ta tiến đánh sân bay Mường Thanh.
Hình ảnh quân đội ta khống chế sân bay Mường Thanh, chặn đường tiếp tế, tiếp viện của quân Pháp.
Với sức tấn công như vũ bão của quân đội ta, quân địch không thể kháng cự. Chiều 22/4/1954, quân ta đã làm chủ sân bay Mường Thanh cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/1954. Trong ảnh: Các chiến sĩ quân đội ta vui mừng trên chiếc máy bay của Pháp vừa bị pháo cao xạ 37mm bắn cháy.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, sân bay Điện Biên được quân đội Việt Nam tiếp quản. Đến năm 1958, dịch vụ vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở và do quân đội đảm nhiệm. Sau khi miền Bắc giải phóng, cảng hàng không Điện Biên vẫn được duy trì nhưng hầu như không sử dụng vào khai thác.
Năm 1973, chuẩn bị kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cảng hàng không Điện Biên được khôi phục. Từ đó đến nay, sân bay này từng bước được nâng cấp, hoàn thiện và xây dựng mới thành một trong những sân bay hiện đại của miền Bắc.
Hiện nay, nhà ga hành khách cảng hàng không Điện Biên được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến. Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Cảng hàng không Điện Biên có 2 hãng hàng không khai thác là Vietnam Airlines và Vietjet Air, lượng hành khách qua cảng có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Mỗi ngày, cảng có 3 - 4 chuyến bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air từ Hà Nội, TPHCM đến Điện Biên và ngược lại. Lượng hành khách qua cảng đã đạt gần 1000 khách/ngày so với sản lượng hành khách trước đây là hơn 200 hành khách/ngày, trong đó khách trong nước và khách quốc tế tăng đồng đều.
Cảng hàng không Điện Biên có sân đỗ tàu bay với 4 vị trí đỗ, trong đó 3 vị trí đỗ dành cho tàu bay A320/A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ dành cho tàu bay ATR72 hoặc tương đương trở xuống.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên đã xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2.400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác tàu bay A320/A321 hoặc tương đương.
Dự án Đài Kiểm soát không lưu cảng hàng không Điện Biên là một trong các dự án trọng điểm cùng với việc mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, có tổng mức vốn đầu tư hơn 93 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của tổng công ty quản lý bay Việt Nam (bộ GTVT).
Công trình được khởi công vào ngày 27/4/2023. Theo kế hoạch, đài kiểm soát không lưu sân bay Điện Biên sẽ được khánh thành vào hôm nay (20/4).
Hệ thống đèn phụ trợ hỗ trợ cho tàu bay cất hạ cánh, di chuyển dưới mặt đất trong điều kiện ban đêm, ban ngày thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Sân bay được trang bị hệ thống đèn đạt tiêu chuẩn CAT I theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Loạt xe buýt chuyên chở hành khách từ nhà ga tới khu đỗ máy bay cách đó 400m.
Những chiếc xe chữa cháy hiện đại được đầu tư.
Từ một sân bay dã chiến của quân đội Pháp, ngày nay, sân bay Điện Biên đã trở thành một cảng hàng không hiện đại của miền Bắc. Sân bay Điện Biên được coi là cột mốc quan trọng trong ngành Hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội và tạo thêm động lực phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên cũng như khu vực Tây Bắc. Đến nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh khu vực Tây Bắc của nước ta.