Dấu hiệu làm nhục người khác
Theo phân tích của thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội), việc có hành vi sàm sỡ phụ nữ chắc chắn đã vi phạm pháp luật. “Tôi nghĩ đến tội danh làm nhục người khác. Bởi giữa chốn công cộng, có nhiều người qua lại, hành vi này có thể làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của những bị hại này. Tuy nhiên, để truy cứu tội danh hay áp dụng hệ thống pháp luật nào, còn tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể” – thẩm phán Toàn nói.
Còn theo phân tích của luật sư Nguyễn Tiến Trung (Giám đốc Cty Luật Trung Nguyễn, Đoàn Luật sư Hà Nội), xét về hậu quả xã hội, hành vi trên gây ra sự phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân, gây bất bình cũng như mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, ở từng trường hợp cụ thể, có thể xét đến nhiều tội danh. Ví dụ, sàm sỡ bé gái dưới 16 tuổi, cơ quan có thẩm quyền có thể nghĩ tới tội danh Dâm ô với trẻ em, mức hình phạt đến 12 năm tù. Tuy nhiên, trong tình huống của nam thanh niên trên, nạn nhân lại hầu hết đều là những công nhân, phụ nữ trưởng thành trên 16 tuổi.
Luật sư Trung cũng cho rằng có thể xem xét đối tượng ở hành vi làm nhục người khác. Tuy vậy, đây cũng là một tội danh khó có thể được áp dụng trong trường hợp này, bởi đối tượng thường ra tay “chớp nhoáng” vào những thời gian, địa điểm vắng người qua lại rồi bỏ chạy.
Đồng tình với hướng xử lý tội danh Làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật Hình sự), song thẩm phán Nguyễn Xuân Văn – Chánh án TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng cho rằng mấu chốt phải làm rõ được bối cảnh cụ thể. Bởi, theo điều luật, việc sàm sỡ trên phải gây ra hậu quả nghiêm trọng và người bị xâm hại có cảm giác bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
“Quay về trường hợp cụ thể đang đề cập, ở đây tôi chưa thấy rõ hành vi xúc phạm nghiêm trọng, như việc tấn công tình dục liên tiếp một phụ nữ, tiếp cận, sàm sỡ, hoặc có những hành vi khác để nạn nhân cảm thấy mình bị nhục nhã, ê chề trước đám đông. Do đó, tôi tin cơ quan chức năng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xử lý đối tượng này” – thẩm phán Văn nói.
Có thể xử lý hành chính
Bất bình về câu chuyện của nam thanh niên ở tỉnh Khánh Hoà, luật sư Hằng Nga khẳng định, phải thấy rõ đó là hành vi quấy rối tình dục. Và khi đã xác định được hành vi, cần làm rõ thêm về hậu quả để xử lý, áp dụng pháp luật.
Đồng tình với các ý kiến phân tích về tội danh Dâm ô với trẻ em, Làm nhục người khác, luật sư Nga nói thêm, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể xử lý hành chính đối tượng theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội. Điều 4 Nghị định quy định xử phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tuy nhất trí với hướng xử lý hành chính, song luật sư Nga cho hay, nếu chỉ dừng ở mức xử phạt một vài trăm nghìn, sẽ khó có tính răn đe đối với đối tượng vi phạm. “Tôi cho rằng phải xử lý nghiêm minh hành vi sàm sỡ này” – bà Nga nói.
Ngày 22/2, Công an huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà vừa tạm giữ đối tượng Trần Đình Thái (SN 1991) về hành vi sàm sỡ phụ nữ. Theo hồ sơ ban đầu, trong nhiều ngày, Thái phục chờ những phụ nữ đi qua đường ở khu vực xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh). Các phụ nữ có thân hình nảy nở, đi lại vào buổi sáng sớm được xác định là “con mồi” cho kẻ biến thái. Được biết, khi hành sự, Thái thường bịt khẩu trang kín mặt, đi xe máy và thực hiện hành vi “động chạm” rồi nhanh chóng tẩu thoát.