Sám hối của Bầu Kiên, Huyền Như từ buồng biệt giam

Huỳnh Thị Huyền Như và nỗi ân hận muộn màng
Huỳnh Thị Huyền Như và nỗi ân hận muộn màng
Khóc lóc, ân hận, cầu xin sự tha thứ và mong được khoan hồng, giảm nhẹ bản án... là lời sám hối muộn màng của các bị cáo tại tòa. Lạ là, trong bối cảnh đặc biệt ấy, có người còn bình tĩnh đọc thơ, hay thấy lòng thanh thản hơn khi ở tù...

Nỗi ân hận muộn màng

Mấy ngày nay, báo chí trích dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, giãi bày về tâm trạng của mình những ngày ở trại. Nếu như ban đầu, tinh thần ông bất ổn do sự thay đổi đột ngột về môi trường thì rồi sau cũng quen. Ông dần thích hợp với lịch gian biểu "đêm nghe kẻng đi ngủ, sáng giờ Dần là dậy".

Hơn một năm vào trại tạm giam, giờ ông Kiên "mềm tính" hơn, không cau có, bất hợp tác như trước nữa. Một người từng có thời "thét ra lửa" như ông nay nhiều lúc nằm trầm ngâm trong phòng, rồi đứng lặng bên khung cửa sắt to bằng ngón chân, nhìn mưa lất phất... Ông bảo, ngày trước ở ngoài cũng mắc bệnh này, bệnh kia, nhưng không hiểu sao giờ thấy khỏe hơn, bụng bớt phệ, giảm cân nhiều và ăn uống cũng chừng mực lắm. Ông nói đã trút bỏ được những suy nghĩ dằn vặt mà khi chưa vào trại, đó là điều không bao giờ nghĩ tới...

Sám hối của Bầu Kiên, Huyền Như từ buồng biệt giam ảnh 1

Hình ảnh mới nhất của bầu Kiên thật là thê thảm (ảnh CAND).

Mái tóc bạc phơ vốn được chăm chút kỹ của ông nay đã cắt ngắn, mỏng hơn rất nhiều. Già, gầy, đen... hình ảnh ông có vẻ tàn tạ hơn rất nhiều so với phong thái bệ vệ, quyền uy khiến nhiều người nể sợ như trước.

Không ai ngờ, một đại gia quyền lực trong giới ngân hàng giờ lại là một ông già cô độc, trầm tính như vậy.

Cũng khác xa với hình ảnh một Huỳnh Thị Huyền Như đầy mưu mô, ranh mãnh, gian xảo khi là chủ mưu của đại án lừa đảo hơn 4.000 tỷ đồng khi mới 29 tuổi, hay vẻ mặt điềm tĩnh, tỉnh queo khi khai các thủ đoạn lừa đảo tại tòa... bị cáo này đã bật khóc khi được nói lời cuối cùng.

Ngay từ những lời nói đầu tiên, "siêu lừa" Huyền Như nức nở khi nhắc đến con thơ, gửi lời xin lỗi đến chị gái, cơ quan đồng nghiệp và các bị cáo khác trong vụ án.

Huyền Như cho biết, trong suốt hơn 2 năm bị tạm giam và những ngày dài diễn ra phiên xét xử, bản thân bị cáo này đã rất ân hận về những gì mình đã gây ra và để lại hậu quả đau lòng cho cơ quan, tổ chức, người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

" ... Bị cáo muốn gửi lời xin lỗi đến những bị cáo khác trong vụ án, xin lỗi đến ngân hàng Công Thương. Bị cáo xin lỗi các anh chị em đồng nghiệp vì tin tưởng bị cáo mà phải như ngày hôm nay. Vì hành vi sai trái của bị cáo mà con của bị cáo phải theo bị cáo vào tù từ khi còn ở trong bụng mẹ...", từng lời sám hối giờ đã trở nên muộn màng của Huyền Như lẫn trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Bị cáo Như xin tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các anh em, đồng nghiệp vì quá tin tưởng mình dẫn đến phạm tội. Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để sớm có cơ hội trở về làm lại cuộc đời.

Chỉ vì lo khoản nợ 200 tỷ đồng từ trái đắng bất động sản, lợi dụng vị trí phó Phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, chi nhánh TP.HCM của ngân hàng Công Thương, Huyền Như đã lún sâu vào vòng tội lỗi, với hàng loạt tội danh như: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cho vay nặng lãi", "vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"... kết cục phải đối mặt án chung thân, con sinh ra đã phải ở tù cùng mẹ.

Vì thế, những lời nói rút ruột từ đáy lòng của Huyền Như đã khiến bị cáo Phạm Văn Chí - một trong số 22 đồng phạm, mủi lòng: "Em muốn nhắn nhủ chị Như rằng chị còn một con nhỏ, còn một mẹ già ở ngoài đời. Em mong hãy sống thật tốt, sớm trở về để thực hiện thiên chức làm mẹ của mình".

Trong vụ án "tham ô tài sản", "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty Cho thuê tài chính 2, bị cáo Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đố, cũng tỏ ra ân hận khi nói lời cuối tại tòa.

"Tôi khẳng định một lần nữa hành vi của tôi là trái pháp luật, nhưng pháp luật cũng mang tính nhân đạo, đề nghị HĐXX xem xét cho tôi qua nhân thân, công trạng của tôi để xem xét tội danh được giảm nhẹ. Tôi xin lỗi các bị cáo và gia đình bị cáo vì tôi mà bị liên lụy. Tôi rất hối hận, xin được khoan hồng".

Đọc thơ, sẵn sàng nhận tội

Trong khi đó, hình ảnh nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hàng hải Vinalines Dương Chí Dũng, trong phần nói lời sau cùng của mình tại tòa, lại hoàn toàn khác. Tiếp tục thanh minh, kêu oan "không tham lam, không vì cá nhân", bị cáo này còn bình tĩnh đọc thơ ngay cả khi HĐXX đã nhắc nhở.

Tuy nhiên, bị cáo cũng ngỏ ý hối hận. "Bị cáo thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, toàn thể nhân dân và cán bộ nhân dân ngành hàng hải vì để xảy ra sai phạm này. Dù gì đây cũng là khuyết điểm".

Sám hối của Bầu Kiên, Huyền Như từ buồng biệt giam ảnh 2

Dương Chí Dũng tại tòa (ảnh báo Đất Việt)

Trong vụ mua về ụ nổi giờ là đống sắt hoen gỉ, Dương Chí Dũng thừa nhận "Quá trình làm việc có sai sót, bị cáo cũng thấy có phần trách nhiệm ở đây. Mặc dù giao cho anh em cấp dưới thực hiện, nhưng bị cáo đã không kiểm tra đôn đốc sát sao". Song, ông này không thừa nhận có chuyện thỏa thuận, không biết, không chỉ đạo không nhận khoản tiền lót tay nào.

"Bị cáo rất hối hận. Mong mọi người hiểu rằng, tấm lòng của bị cáo. Đây là sai lầm, khuyết điểm nhưng tấm lòng bị cáo không tham lam, không vì cá nhân... ", ông nói.

Phớt lờ vị thẩm phán ngắt lời, bị cáo Dương Chí Dũng vẫn bình thản đọc 4 câu thơ về ngành hàng hải Việt Nam.

Cuối cùng, bị cáo mong được minh xét, tránh oan sai.

Còn em trai Dương Chí Dũng - Dương Tự Trọng - người cũng phải ra tòa vì tội danh tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, khi nói lời sau cùng tại tòa - lại không tỏ ra ân hận mà chỉ xin lượng khoan hồng cho các bị cáo khác. Bản thân bị cáo nói sẵn sàng chấp nhận bản án.

"Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi. Tôi luôn sống cùng với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Thường ước được cầu mong cho anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, lòng từ bi khoan dung độ lượng vị tha của người đời. Tình cảm ấy tôi nghĩ ở mỗi con người ai cũng có, mong mọi người thông cảm.

Với các bị cáo khác, mong HĐXX khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để họ sớm về với cuộc đời. Cá nhân tôi sẵn sàng chấp nhận thực hiện nghiêm túc bản án dành cho tôi".

Theo N.H

Theo VEF
MỚI - NÓNG