Chiều 30/5, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách năm đạt hơn 1,82 triệu tỷ đồng, vượt 406.902 tỷ so với dự toán giao.
Trong đó, thu nội địa vượt gần 23% dự toán giao; thu từ xuất nhập khẩu vượt 24%, riêng thu dầu thô vượt 177% dự toán do giá dầu tăng cao vượt 74,5% so với thời điểm lập dự toán.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Như Ý) |
Đại diện Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn đánh giá, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, và kiến nghị tăng thu 3.841 tỷ đồng.
“Việc quản lý thu của các cơ quan thuế còn hạn chế, như cơ quan thuế chưa kiểm tra đủ các loại hồ sơ khai thuế với người nộp; chưa quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử với các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng một năm”, kiểm toán đánh giá.
Về chi ngân sách, Chính phủ đề nghị quyết toán hơn 1,75 triệu tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển được quyết toán 615.640 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, vẫn tồn tại 44 dự án nguồn ngân sách Trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022.
Sau đó, số dự án này vẫn không giải ngân hết trong năm 2022, phải hủy bỏ với số tiền gần 349 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022, nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ hoặc hủy bỏ 1.418 tỷ đồng.
Theo cơ quan kiểm toán, một số đơn vị của các địa phương chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đúng quy định 3.200 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm dự toán năm sau tại 23 địa phương, là 1.847,038 tỷ đồng.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách năm 2022 và có chế tài xử lý triệt để các tồn tại này.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua đề xuất quyết toán ngân sách năm 2022, với thu cân đối ngân sách là hơn 2,71 triệu tỷ đồng; chi trên 2,89 triệu tỷ. Bội chi ngân sách năm 2022 là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện.
Cơ quan kiểm toán và thẩm tra đều đánh giá đây là nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ ngành, trong bối cảnh năm 2022 phải thực hiện nhiều khoản chi tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. (Ảnh: Như Ý) |
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc xử lý, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023 các trường hợp không điều chỉnh được số liệu quyết toán ngân sách năm 2022, do liên quan tới ngân sách Trung ương về xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 91/2023.
Cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và chịu trách nhiệm về việc chuyển nguồn đối với các dự án viện trợ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Tài chính, các bộ, ngành thực hiện đầy đủ các kiến nghị kiểm toán, với tổng số tiền kiến nghị gần 50.000 tỷ đồng, hoàn thiện các chính sách, văn bản theo quy định.
Tại báo cáo quyết toán, Chính phủ cho rằng, công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm; thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị; số chi chuyển nguồn tiếp tục phát sinh lớn…