Ghi nhận hành vi tố giác tội phạm
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa, thể hiện bị cáo Trần Văn Tâm (cựu Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh) cùng thuộc cấp mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Vinafood 2 rồi sử dụng không đúng mục đích; thực hiện loạt hành vi gian dối khiến công ty vừa thua lỗ vừa thất thoát hơn 814 tỷ đồng.
Bị cáo Tâm là người tổ chức, chủ mưu và trực tiếp thực hiện nhiều việc làm sai trái gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa khoản tiền mua, bán hai căn nhà là tài sản do Vinafood sở hữu, chuyển thành tài sản cá nhân của bị cáo Tâm.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tâm 30 năm tù là đủ cơ sở. Các bị cáo còn lại được xác định có vai trò đồng phạm giúp sức, bị đề nghị mức phạt phù hợp với từng hành vi phạm tội. Với cựu Tổng giám đốc Vinafood 2, bị cáo Huỳnh Thế Năng, VKS chấp nhận một phần bào chữa của luật sư, qua đó đề nghị HĐXX xem xét “công” của ông này vì đã chủ động tố giác sai phạm - căn cứ ban đầu để cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ.
Ðồng loạt kêu oan
Sau khi VKS bảo lưu quan điểm, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng, nhóm các bị cáo bị truy cứu về tội “Tham ô tài sản” đồng loạt kêu oan. Bị cáo Tâm khẳng định mình không phạm tội “Tham ô tài sản”. Các bị cáo là cấp dưới của Tâm kêu oan vì không bàn bạc với bị cáo Tâm, chỉ làm theo chỉ đạo, không được hưởng lợi. Về tội “Cố ý làm trái…”, các bị cáo thừa nhận và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Cựu Tổng giám đốc Vinafood 2 Huỳnh Thế Năng cho rằng, những việc mình thực hiện chỉ nhằm mục đích đưa công ty vượt qua khó khăn ban đầu. Bản thân bị cáo Năng đã hoàn thành các công việc được giao, còn thiệt hại thì xảy ra trước khi bị cáo Năng về làm Tổng giám đốc Vinafood 2.
“Bản thân đau xót khi đứng đây nói lời sau cùng. Bị cáo tin tưởng pháp luật công bằng và nghiêm minh. Mong tòa phán xét công minh, đúng người đúng tội” - bị cáo Năng nói lời nói sau cùng.
16 bị cáo trong vụ án này bị cáo buộc các tội danh bao gồm: “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.