Theo lời cô hiệu trưởng, hầu hết các cháu là con em gia đình nghèo khó. Nhiều em trong số đó là người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh kém may mắn. Quan sát một vòng, tôi nhận thấy phần lớn các em có mặt tại nơi trao quà đều thuộc diện “thấp bé, nhẹ cân” theo đúng nghĩa đen của từ này. Nhiều em cho biết hằng ngày phải đi bộ với quãng đường dài để đến trường, bất kể nắng mưa.
Từ ngoài sân trường, đông đảo phụ huynh đứng dõi mắt theo con nhận quà. “Hàng năm phải tốn rất nhiều tiền để mua sách vở và đồ dùng học tập cho con. Nhiều người phải bán nông sản non hoặc vay mượn mới có tiền lo cho con vào năm học mới…”, một phụ huynh chia sẻ. Đó cũng là lý do khiến các phụ huynh mừng vui khi con mình được nhận quà, dù chỉ ít cuốn tập vở.
Trong tuần, từ nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn về chuyện giá sách giáo khoa mới. Ông lý giải, giá sách mới tăng hai, ba lần là do “khổ to, giấy đẹp”. Cụ thể, bộ sách cũ giá thành từ năm mươi đến một trăm nghìn đồng nhưng khổ nhỏ và giấy xấu hơn. Ngược lại, bộ sách mới có giá dao động từ hai đến ba trăm nghìn đồng.
Số tiền sách tăng thêm, có thể rất nhẹ nhàng đối với Bộ trưởng hoặc những người có điều kiện khá giả, song với đa số người dân, nó là một gánh nặng. Trước đó, các nhà xuất bản cũng lập luận theo kiểu “nhẹ tựa lông hồng” khiến dư luận không đồng tình.
Cùng với giá mới, nhiều đầu sách mới được ra đời nhưng không thật sự cần thiết. Thậm chí, có đầu sách ra đời chỉ bởi thủ thuật “chẻ nhỏ” nội dung của sách cũ chứ không phải vì tăng thêm kiến thức. Nhiều bộ sách chỉ sử dụng một lần gây lãng phí không nhỏ. Tất nhiên, mọi chi phí tăng thêm, kể cả sự lãng phí đều đổ lên phụ huynh, tức người dân gánh chịu.
Chương trình cải cách đi liền với thay sách giáo khoa chưa thấy ngay hiệu quả, song đã kịp bộc lộ nhiều bất cập từ chất lượng nội dung đến giá thành sản phẩm khiến dư luận không khỏi lo lắng. Học sinh luôn như “chuột bạch” và phụ huynh biến thành “bò sữa” trong tay các nhà làm sách. Cuộc tận thu mới chỉ bắt đầu và chưa biết đến khi nào kết thúc.
Bao năm qua, mặc dù Nhà nước đổ rất nhiều tiền của, công sức để cải cách, song chất lượng giáo dục không thấy rõ được cải thiện mà có phần xuống dốc, đạo đức học đường thụt lùi, báo động. Điều bức thiết nhất lúc này là phải phá bỏ những hòn đá tảng ngăn cản sự phát triển và tiến bộ của nền giáo dục nước nhà, nhất là bệnh thành tích. Đồng thời, cần định vị triết lý giáo dục, khai phóng tư tưởng trong giáo dục, “cởi trói” cho các thầy cô giáo… thay vì bận tâm thay đổi sách giao khoa từ nhỏ thành to, thành đẹp.
Sách “to” và “đẹp” để làm gì khi đất nước còn nhiều khó khăn, rất nhiều người dân còn phải chật vật lo từng bữa ăn, từng cái áo quần, sách vở, bút mực cho con đến trường?