Thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải thích về tình trạng sách giáo khoa tăng giá 2- 3 lần.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (ảnh Nhật Minh) |
Ông Sơn cho rằng, khi so sánh giá sách, cần so sánh giá tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.
Đơn cử như sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành..., theo ông Sơn, do doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Đối với các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo Dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay với sự chỉ đạo ráo riết đã giảm được từ 10- 15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.
Ông Sơn giải thích, các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016, Nhà nước đã chi tiền cho rất nhiều khâu từ biên soạn, thẩm định, khổ cũng nhỏ hơn, giấy xấu hơn. “Nếu như so với các bộ sách mà Nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói giá sách giáo khoa tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng”, ông Sơn chỉ rõ.
Về giải pháp, ông Sơn cho biết đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách giáo khoa ở mức hợp lý, thuận tiện nhất cho người học.
Trước thông tin phản ánh về tình trạng sách giáo khoa không dùng lại được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định “các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần”.