Sách giáo khoa sẽ được lựa chọn công khai, minh bạch?

Biết chọn bộ SGK nào Ảnh: Nghiêm Huê
Biết chọn bộ SGK nào Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Hiện các sở GD&ĐT đang sốt ruột vì Bộ GD&ĐT chưa công bố các bản sách giáo khoa (SGK) đạt yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hội thảo về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông khu vực phía Bắc do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các sở GD&ĐT.  

Bốn hạn chế của chương trình hiện hành

Chia sẻ về những điểm mới của chương trình giáo dục môn Toán, PGS Lê Anh Vinh, tác giả một bản mẫu SGK Toán lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Toán học vốn là một bức tranh đẹp, nhưng với chương trình Toán hiện hành, có thể thấy, phần lớn học sinh chỉ được học “tô lại” bức tranh đó hoặc tô “hàng rào”.

Để dẫn chứng, ông cho biết đã xuống các trường học của Hà Nội, từ trường công lập đến trường chất lượng cao, hỏi học sinh tiểu học thích nhất bài toán nào, chỉ có một học sinh cho biết thích nhất bảng cửu chương vì giúp tính toán nhanh. Tương tự, cũng câu hỏi đó, một học sinh THCS thích nhất phép tính lũy thừa. Thậm chí đến cả giáo viên, khi được hỏi cũng không trả lời được tiết học nào là thú vị nhất, cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất.

Với quan sát của mình, PGS Lê Anh Vinh cho rằng có 4 hạn chế của chương trình Toán học hiện nay. Đó là phụ huynh, giáo viên thường trực trong đầu ý nghĩ không phải học sinh nào cũng học được Toán; Thiếu sự tương tác giữa thầy cô - học sinh, học sinh - học sinh ngoài khuôn viên một lớp học; Học mà không nghĩ; Học không gắn với thực tiễn. Chính vì vậy, chương trình môn Toán mới sẽ giải quyết 4 hạn chế này. Cụ thể như chương trình thiết kế theo bài học, chủ đề, không theo tiết học, học gắn với trò chơi, lồng ghép nội dung tích hợp liên môn.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Postdam, Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, sự khác biệt giữa chương trình SGK định hướng phát triển năng lực (chương trình mới) và chương trình SGK định hướng phát triển nội dung (chương trình hiện hành) là không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn giúp học sinh biết vận dụng kiến thức, tiếp nối các tri thức với nhau để giải quyết tình huống của thực tiễn.

“Nhà trường dạy học sinh phân theo các môn học nhưng cuộc đời lại dạy không theo môn. Vì vậy, dạy học trong nhà trường qua chương trình, qua SGK giúp học sinh lĩnh hội tri thức, giải quyết các tính huống trong cuộc sống” - TS Nguyễn Văn Cường nói.

Nguyên tắc chọn SGK

Vấn đề hiện nay là các sở GD&ĐT đang sốt ruột vì Bộ GD&ĐT chưa công bố các bản SGK đạt yêu cầu. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc lựa chọn bộ sách nào để tổ chức dạy và học tại Hà Nội là vấn đề sở đang quan tâm.

Theo đó, sách được lựa chọn thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức lựa chọn SGK công khai, minh bạch, có tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục phổ thông; SGK được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội trong toàn thành phố Hà Nội, sử dụng ổn định, tránh lãng phí.

Ngoài ra phải đảm bảo các yêu cầu: Chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối, lớp phù hợp với việc dạy và học của giáo viên và học sinh địa phương; Đảm bảo nguồn cung ứng SGK được lựa chọn theo nhu cầu học sinh và các cơ sở giáo dục phổ thông; Cung cấp đúng thời điểm và giá bán hợp lý.

“Chúng tôi cho rằng các bộ SGK có chất lượng cao rất đáng ghi nhận, nhưng điều không kém phần quan trọng là truyền tải đến học sinh sao cho có hiệu quả. Nhiệm vụ đó, không phải ai khác ngoài đội ngũ giáo viên”- ông Chử Xuân Dũng nói.

TS Nguyễn Văn Cường cho hay, thẩm định SGK là nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định quốc gia. Các địa phương cần xây dựng tiêu chí để nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm của mình khi thành lập hội đồng lựa chọn sách. Theo TS Cường, ở Đức, mỗi năm có quy định phụ huynh mua sách cho con em mình.

Ví dụ ở Berlin, không được yêu cầu phụ huynh mua quá 100 Euro/năm/học sinh. Vì vậy, nhà trường phải tính toán, một năm học cần những cuốn sách nào. Như vậy 100 Euro chỉ mua được 7 hoặc 8 cuốn SGK, không mua được tất cả. Những môn Thể dục, trải nghiệm chủ yếu là hoạt động nên không có SGK. Vì nếu có, phụ huynh cũng không mua.

Trong số 5 bản mẫu SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới qua vòng 2 thẩm định, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bản mẫu. Bản mẫu SGK còn lại thuộc về 2 NXB là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM. Hiện các NXB  đang chờ Bộ GD&ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố các bản SGK đạt yêu cầu trước dư luận. Được biết, dự kiến việc công bố này sẽ diễn ra trong tháng 11 này.

MỚI - NÓNG