Rút quyết định phạt vì chê chủ tịch tỉnh là đúng đắn

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Sáng nay, tại cuộc giao ban nhà nước về báo chí hàng tuần, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chia sẻ vụ việc cô giáo like facebook bị phạt 5 triệu đồng như một bài học về việc quản lý.

Vụ việc 3 cán bộ tại An Giang bị cơ quan chức năng của địa phương này xử phạt hành chính, kỷ luật về mặt Đảng vì comment và like trên mạng xã hội nhận xét Chủ tịch tỉnh An Giang “không gần dân, có bộ mặt kênh kiệu” gây nhiều bức xúc. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và làm rõ tính đúng sai của quyết định nói trên. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ TT&TT về vụ việc này?

- Căn cứ Nghị định 72 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, một trong các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 1, điều 5 là cấm “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Và nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm theo khoản 3, điều 64 của Nghị định 174 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Tuy nhiên, theo quan điểm Bộ TT&TT, trường hợp cụ thể tại An Giang mà ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật về Đảng là chưa thoả đáng.

Nói gương mặt “Chủ tịch kênh kiệu” hay “ông Chủ tịch không gần dân”, đó chỉ là một nhận xét đầy cảm tính. Với nhận xét đó, chúng tôi thấy chưa đủ yếu tố và đến mức độ để cơ quan chức năng xử lý người ta hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Nhà nước.

Một nhận xét của công dân ở mức độ như vậy chưa phải là xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, mà đây chỉ là lời nhận xét. Mức độ này góp ý nhắc nhở thì tốt hơn, không cần thiết đến sự can thiệp của pháp luật.

Việc nhiều cơ quan cùng vào cuộc xác minh, họp hành, ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật Đảng như đã nêu là việc làm tuỳ tiện và có dấu hiệu lạm quyền. Áp dụng luật cần nhạy bén, xác đáng, tránh nôn nóng, dẫn đến áp dụng sai hoặc làm quá mức cần thiết.

Bộ TT&TT thấy việc phải thu hồi và hủy các quyết định xử phạt, kỷ luật này là hoàn toàn đúng đắn. Việc sử dụng quyền lực Nhà nước trong vụ việc này không hợp lý, thậm chí phản cảm. Sở TT&TT An Giang cần rút kinh nghiệm ngay vụ việc không đáng xảy ra này.

Thưa Thứ trưởng, cụ thể Sở TT&TT tỉnh An Giang phải rút kinh nghiệm như thế nào?

- Thứ nhất, là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin ở địa phương, gặp những vụ việc tương tự như vậy, nếu khó khăn trong vấn đề xử lý thì cơ quan này hoàn toàn có quyền đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể hoặc có ý kiến về chuyên môn để tham khảo.

Thứ hai, việc sử dụng quyền lực nhà nước vượt giới hạn như vậy dẫn đến dư luận xã hội không tốt, người dân bất bình làm ảnh hưởng uy tín cần phải rút kinh nghiệm.

Nhưng dư luận có quyền nghi ngờ những quyết định trên vì nó liên quan đến lãnh đạo ở một địa phương. Người ta có thể thấy trên mạng xã hội rất nhiều thông tin xúc phạm danh dự, bôi nhọ uy tín cá nhân, tại sao cơ quan quản lý nhà nước không “hăng hái” xử lý như vụ này?

Việc quản lý mạng xã hội hiện nay là một bài toán khó đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là chúng ta phải làm sao cân bằng cho được quyền lợi thông tin, phản biện của công dân với quyền lợi của Nhà nước trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Trường hợp vừa xảy ra ở An Giang chúng tôi chỉ có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí ở cấp địa phương trên khía cạnh chuyên môn theo ngành dọc. Những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của địa phương chúng tôi không can thiệp.

Tuy nhiên, sau vụ việc này chúng tôi hy vọng những người tham gia mạng xã hội cần thiết phải trang bị kiến thức pháp luật khi sử dụng một tài khoản nào đó. Đáng chú ý nhất là những vấn đề thuộc cá nhân vì nhóm hành vi vi phạm chủ yếu hiện nay là nhóm xâm phạm bí mật đời tư, bôi nhọ uy tín danh dự. Tất cả chúng ta đều phải rút kinh nghiệm với một tinh thần cầu thị để cùng hướng tới một xã hội thông tin lành mạnh, nhân văn hơn.

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa:

Việc rút lại quyết định xử phạt cán bộ "chê" Chủ tịch tỉnh An Giang trên facebook là sự việc để hai bên nhìn nhận lại. Cán bộ bị phạt cũng cần suy nghĩ xem việc họ làm có nên làm hay không, có đáng bị phạt hay không. Phía cơ quan nhà nước và cá nhân người lãnh đạo cũng cần xem xét lại.

Dư luận thì quan tâm không phải mức phạt mấy triệu mà việc ra quyết định xử phạt như vậy đúng hay sai, hành vi có xứng đáng nhận mức phạt đó không.

Ở phía lãnh đạo tỉnh, dù thế nào không nên đổ cho cấp dưới vì cấp dưới là cấp trực tiếp của anh, làm sao Sở dám ra quyết định mà không hỏi ý kiến Chủ tịch tỉnh. Dư luận phản ứng vì có thể hành động xử phạt này sẽ tạo thành tiền lệ.

Trong trường hợp này, Chủ tịch tỉnh và cán bộ nên ngồi với nhau để thảo luận. Đối với lãnh đạo trong một thời điểm nhất định, họ có những phản ứng nhạy cảm hơn vì có thể có vấn đề nội bộ, phe phái, phức tạp.

Qua vụ việc cũng cho thấy vấn đề của chúng ta hiện nay là ứng xử trên không gian mạng còn lúng túng. Có những người sử dụng mạng với động cơ, nội dung rất xấu như nói xấu lãnh đạo bằng lời lẽ không có văn hóa, không có căn cứ.

Ở nhiều quốc gia, người ta có thể chế giễu Tổng thống, thậm chí làm phim giả định, vẽ tranh biếm họa. Nhưng với văn hóa VN việc đó không chấp nhận được. Không gian mạng cũng cần có những ứng xử văn hóa.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG