Da Shuhua diễn ra vào ngày thứ 15 trong lễ hội ăn mừng năm mới. Phong tục này được tin là đã ra đời từ cách đây 300 năm khi cánh thợ rèn địa phương nảy ra một màn trình diễn mới lạ để thay thế pháo hoa. Bởi chỉ có người giàu mới đủ tiền tổ chức ăn mừng năm mới bằng những bánh pháo hoành tráng, những gia đình thợ rèn nghèo khó bèn sáng tạo ra màn “pháo hoa” của riêng mình.
Lấy cảm hứng từ muôn vàn tia lửa rực rỡ vẫn xuất hiện trong lò rèn mỗi khi họ đánh lửa, các bác thợ rèn đã nung chảy kim loại ở trong khoảng nhiệt độ 1.000 độ C rồi ném mạnh kim loại nóng chảy lên một bức tường đá thật rộng để tạo hiệu ứng trông y hệt pháo hoa. Khi tiếp xúc với bức tường lạnh, kim loại đang nóng rực sẽ biến thành những bông pháo xinh đẹp tuôn chảy xuống tấm lưng của những người thợ rèn quả cảm.
Vẻ đẹp của thứ kim loại nóng chảy ở nhiệt độ cực cao bắn tung tóe lên tường đá cộng với tính phiêu lưu mạo hiểm của nghi thức lạ này ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn cả pháo hoa thực sự. Mọi người trong vùng bắt đầu quyên góp tất cả những kim loại phế liệu có trong nhà để đốt chúng vào mùa lễ hội chào năm mới. Ném kim loại nóng chảy lên tường đá dần trở thành một tập tục của làng Nuanquan. Cũng từ truyền thống đó mà ra đời câu tục ngữ địa phương: “Người giàu chơi pháo bông, người nghèo chơi Da Shuhua”.
Trải qua nhiều năm, cánh thợ rèn làm phong phú thêm những màn “pháo hoa” bằng cách cho nóng chảy những kim loại chuyển thành màu lạ khi được đốt ở nhiệt độ 1000 độ C như đồng đỏ hay aluminium để tạo nên những bông hoa lửa màu xanh, trắng thay vì chỉ màu đỏ cam truyền thống.
Nghi lễ Da Shuhua thường được tiến hành vào ban đêm. Một số lượng lớn kim loại sẽ được nung nấu trong một lò rèn. Những người trình diễn sẽ mặc trang phục bảo vệ dày cộm làm bằng da cừu và đội mũ rơm. Nhiệm vụ của họ là phải khuấy đều kim loại nóng chảy bằng những chiếc muôi gỗ đã được ngâm sẵn trong nước 3 ngày liền. Những chiếc muôi này chỉ dày 2cm nhưng ngay khi ngập trong nồi kim loại đang sôi, một lớp than mỏng sẽ được hình thành trên thành muôi, bảo vệ chúng khỏi bị nấu chảy. Kết thúc lễ hội, khán giả tranh giành nhau mua bằng được những chiếc muôi đó.
Sau khi kim loại đã được nung nấu và đảo đều, những người thợ rèn sẽ hất thứ chất lỏng nóng rực ấy lên bức tường cao để rồi hàng ngàn hàng triệu tia lửa sẽ xuất hiện, tung tóe bắn lại tạo thành màn “pháo hoa” choáng ngợp người xem. Người trình diễn sẽ đối diện với nguy hiểm chết người khi cơn mưa kim loại nóng rẫy xối thẳng lên người mình. Người ta từng bàn đến chuyện cho phép các bác thợ rèn mặc bộ giáp bảo vệ trong lúc biểu diễn nhưng ý kiến đó đã bị bác bỏ vì muốn giữ nguyên truyền thống của nghi lễ. Kỳ lạ thay chưa từng có ai gặp tử nạn hay bị bỏng nặng khi Da Shuhua diễn ra, chủ yếu là nhờ vào kỹ năng điêu luyện của những người thợ quanh năm rèn kim loại.
Ngày nay, chỉ còn sót lại 4 nghệ nhân trình diễn Da Shuhua ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ba người trong số đó đã trên 40 tuổi. Tuy nhiên dựa vào độ nổi tiếng của tập tục này, họ hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng tìm được những tay thợ rèn trẻ tuổi đủ say mê và dũng cảm để truyền đạt bí kíp nhà nghề.