Rừng lại xanh khi lâm tặc hoàn lương

0:00 / 0:00
0:00
Ông B.T.T, người từng có nhiều năm phá rừng, giờ là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Ảnh: Đình Văn
Ông B.T.T, người từng có nhiều năm phá rừng, giờ là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Ảnh: Đình Văn
TP - Rừng ở huyện Mang Yang, Gia Lai từng liên tục “kêu cứu” vì bị người bản địa chặt, phá. Những năm gần đây, hàng ngàn héc-ta rừng bỗng được phủ xanh nhờ lâm tặc hoàn lương.

Đi giữa Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Mang Yang, hai bên đường là những cánh rừng tự nhiên và rừng trồng quyện vào nhau, dày đặc, xanh thẳm. Ông Đào Duy Thức, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (thuộc Sở NN&PTNT Gia Lai), đứng ở trụ sở, chỉ tay ra Quốc lộ 19, nói với tôi: “Rừng ở đây rất đẹp, rất dày, không có một chỗ trống. Gia Lai hiếm có một khu vực rừng nào tốt, gần quốc lộ mà bình yên như ở đây”.

Khổ quá hóa lâm tặc

Ông D.X.K (50 tuổi, trú xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) quê ở Lạng Sơn. Năm 1998, ông K rời tỉnh nhà vào Gia Lai lập nghiệp với đủ thứ nghề từ chẻ đá, thợ hồ tới công nhân cao su…, nhưng vẫn không đủ tiền nuôi gia đình. Cuộc sống trầy trật, cơm áo đè nặng. Khoảng đầu năm 2009, ông cùng một số người bạn vào rừng cưa gỗ, chặt cây.

Thuở ấy, theo ông K, rừng ở Kon Ka Kinh, Mang Yang có rất nhiều cây gỗ hương, dổi, pơ mu… Cứ vào rừng là có gỗ quý, giá trị để khai thác. Ông và những người bạn trở thành lâm tặc, nghe theo lời của các chủ xưởng để hưởng tiền công. Cây gỗ đua nhau đổ xuống theo đơn đặt hàng của các xưởng mộc. Gỗ quý nằm ở bìa rừng bị khai thác hết thì họ lại lấn sâu vào lõi rừng.

Những phách gỗ quý dài 2,5m được thồ trên những chiếc xe đạp tuồn ra khỏi rừng (thời ấy xe máy rất hiếm). Theo ông K, lâm tặc cứ đi rừng 1 ngày là nghỉ 5 ngày để tránh sự để ý của kiểm lâm. Chỉ vào rừng 1 ngày nhưng đủ tiền sinh hoạt gia đình 1 tuần. Nhiều người khác cũng bỏ ruộng nương theo nhau vào rừng chặt gỗ bán. Hạ một cây dổi là có trong tay 100 triệu đồng.

Chuyện ông K vào rừng cưa gỗ được đưa vào tầm ngắm của cán bộ lâm trường. Nhà của ông thỉnh thoảng có người đến dò xét. Vợ con cảm giác bất an cho việc ông làm. Đúng thời điểm ông K đang có cảm giác hối lỗi, cán bộ lâm trường đến nhà thuyết phục. Ba bốn ngày liên tiếp họ đến nhà khuyên nhủ ông bỏ việc làm phi pháp. “Chúng tôi biết hết cả rồi. Chỉ cần phát hiện anh chở gỗ là chúng tôi sẽ đưa anh vào tù. Lúc đó vợ con anh khổ, chứ không ai khổ. Làm việc trái pháp luật thì không thể làm lâu dài được”, ông K kể lại lời của cán bộ.

Sau 4 năm lén lút vào rừng, năm 2013, ông K được Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra hợp đồng làm nhân viên bảo vệ rừng. Ông K trở thành người giữ rừng cần mẫn. Thường một tuần, ông túc trực 3-4 ngày liền trong rừng để kiểm tra. Năm 2018, ông đứng ra nhận trồng và chăm sóc hàng chục héc-ta (ha) rừng cùng mức lương giữ rừng gần 4 triệu đồng/ tháng. Cuộc sống gia đình ông từ đó ổn định dần.

Rừng xanh được phủ kín

Ông Thức còn kể về một lâm tặc hoàn lương khác là ông B.T.T (68 tuổi, trú thôn Phú Danh, xã Hà Ra). Ông T hiện là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng xóm Đèo. Xóm Đèo thực ra nằm trong thôn Phú Danh, có 10-12 nóc nhà quần tụ ở đèo Mang Yang nên gọi tên xóm Đèo cho dễ. Khoảng năm 1990, rừng ở Mang Yang bạt ngàn cây cối; hươu, nai, hoẵng tác (kêu) cả ngày lẫn đêm; hổ còn ung dung ra tận đường cái để tìm mồi.

Ông T thời ấy mở quán nước, bán cơm cho cánh lái xe chở hàng từ Bình Định lên Gia Lai. Quán bán èo uột, cơm không có ăn; mấy đứa con nheo nhóc, gầy yếu. “Đói quá phải vào rừng chặt gỗ. Bó thành từng bó, cất giấu sau nhà, khi tài xế dừng xe ra hiệu là mình ra vác bỏ lên xe cho họ. Thời năm 1990 - 1994, làm một ngày kiếm được 1 triệu. Làm 1 ngày thì đủ sinh hoạt cho 7-10 ngày”, ông T kể. Lúc ấy, cả xóm Đèo có 6 hộ thì đều học theo ông T vào rừng kiếm gỗ.

Chuyện phá rừng, chặt gỗ không qua được mắt cán bộ. Năm 1994, ông Đào Đình Hải, Giám đốc Lâm trường Hà Ra (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra), đến từng nhà vận động: “Rừng của Nhà nước, chặt phá là có tội. Vợ con ông nheo nhóc, chúng tôi bắt ông thì lúc nào cũng được, nhưng vợ con anh ai lo. Bây giờ Nhà nước đang có chủ trương trồng rừng, tôi chia đất để ông cùng trồng rừng với chúng tôi, có vậy mới ổn định lâu dài được”. “Mình nghe thấm quá, sau 3 lần bị đưa ra trước xã kiểm điểm, xử phạt, mình “gác kiếm”, từ bỏ phá rừng, vận động các hộ khác cùng tham gia trồng rừng. Bây giờ, xóm Đèo có 12 hộ thì cả 12 hộ đều trồng rừng. Hộ ít thì 25ha, nhiều thì 30ha”, ông T chia sẻ.

Chính sách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra là trả công 300.000-350.000 đồng/ha/năm cho người Kinh và 400.000 đồng cho người dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.

“Thật tuyệt vời khi chúng tôi có những người giữ rừng chuyên nghiệp, tận tâm. Họ từng là lâm tặc… nhưng đó là chuyện quá khứ, giờ đây họ là những người bảo vệ rừng xuất sắc”, ông Thức tự hào.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đóng chân ở thôn Phú Danh, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai. Ban bảo vệ khoảng 13.800 ha rừng, gồm hơn 10.000 ha là rừng xanh tự nhiên, 3.000 ha rừng thông. Ban giao khoán hơn 6.400 ha cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng và giữ rừng.

MỚI - NÓNG