> Đồn
> Hỏi cụ cho chắc
> Lo cụ Rùa trở lại hồ không an toàn
Bùn hút lên được ép thành bánh tại đợt thử nghiệm hút bùn bằng công nghệ Đức tại Hồ Gươm năm 2009. Ảnh: M.H. |
Làm thử hiện đại
TS Phạm Huyền, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, một trong những người tâm huyết đưa công nghệ hút bùn sinh thái của Đức về Việt Nam, kể lại: Trước khi triển khai hút bùn bằng công nghệ của Đức, đã có rất nhiều cản trở, bàn ra tán vào, sợ động chạm đến vấn đề tâm linh, sợ ảnh hưởng đến cụ rùa, đến lục thủy, v.v...
Chính vì thế, việc thử nghiệm ở Hồ Gươm không phải ngay lập tức làm được. Phía Đức ban đầu thử nghiệm tại ao cá Bác Hồ, rồi tiếp tục thử nghiệm thành công ở Hồ Gươm.
Trước khi hút bùn Hồ Gươm, các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu cụ thể địa chất thủy văn, địa chất công trình và địa vật lý điện khu vực hồ và xung quanh hồ bằng công nghệ cao. Thiết bị hút bùn ngầm dưới nước không gây bất kỳ xáo trộn đáng kể nào. Bùn hút lên được ép thành bánh, không rơi trở lại mặt nước gây đục nước.
Nước ép từ bùn cũng được xét nghiệm, lọc và cân bằng các thành phần lý hóa rồi mới trả lại hồ. Bùn bánh cũng được xét nghiệm, và được khuyến cáo là không thể dùng ngay làm phân bón ruộng do còn chất độc.
“Sau khi thử nghiệm xong ở ao cá Bác Hồ, thành phố mãi không có ý kiến gì nên phía bạn đã mang thiết bị về Đức vì để lâu không hoạt động sẽ hỏng. Sau đó một thời gian lại có ý kiến của thành phố cho thử nghiệm ở hồ Hoàn Kiếm, bạn lại phải mang máy sang. Mang đi mang lại như vậy tốn kém rất nhiều tiền của.
Phía Việt Nam cũng tổ chức không dưới 10 hội thảo. Một đoàn cán bộ Việt Nam cũng được mời sang Đức để tham quan công nghệ. Khi trở về cũng tổ chức một số buổi tập huấn cho cán bộ của Sở Khoa học - Công nghệ. Tốn kém cả triệu euro” - TS Huyền nói.
Cũng theo TS Huyền, trước đây làm theo công nghệ của Đức, mọi động thái đều được theo dõi khít khao. Ngay việc quây khu vực thử nghiệm hút bùn cũng phải có sự thăm dò trước để đảm bảo rùa không có trong vùng này. Nay đơn vị thi công vục gầu xuống xúc bùn, “giả sử vẫn còn một, hai cụ rùa nữa trong hồ, ai đảm bảo rùa sẽ không nằm trong khu vực này” - TS Huyền lo ngại.
Trao đổi với PV Tiền Phong, những thành viên chính của dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ hút bùn sinh thái của Đức như TS Huyền, PGS Lưu Văn Bôi, GS Bùi Học, đều cho biết: Sau hơn một năm thử nghiệm thành công dự án, mọi việc rơi vào im lặng.
Không có ý kiến là mua hay không mua công nghệ, không mua vì sao, bao giờ mua. Bản thân những người tham gia không nhận được bất cứ trao đổi nào từ phía thành phố cũng như Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu rùa Hoàn Kiếm trong việc dùng gầu máy xúc bùn hiện nay.
Làm thật thủ công
Trên thực tế, TP Hà Nội đã đồng ý với công nghệ và cách làm của các nhà khoa học Đức tại Hồ Gươm. UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 2493 ngày 8-4-2011 cho phép chủ đầu tư mua sắm thiết bị vét bùn mới theo công nghệ Đức và nạo vét bùn hồ Hoàn Kiếm trên diện rộng bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố.
Vì sao đến nay chưa nhập thiết bị? TS Lê Thanh Hiếu - Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cho biết, do nhiên thiết bị đã thử nghiệm tại Việt Nam chỉ còn 52% giá trị sử dụng, trong khi hải quan yêu cầu phải mới 80% mới được nhập. Do đó, thành phố giao Cty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội phụ trách mua thiết bị mới 100% từ Đức.
Về hành trình đưa máy của Đức về Việt Nam, ông Nguyễn Lê – Tổng Giám đốc Cty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, cần thời gian, vì chỉ mới có công văn của thành phố. Thời điểm này, phía công ty đang trong giai đoạn chờ hồ sơ bản vẽ và giá cả thiết bị từ phía Đức gửi sang, sau đó sẽ trình Bộ Tài chính xem xét. Nhưng chưa biết bao giờ thiết bị mới về Việt Nam.
Một thành viên trong tổ chữa thương cho rùa lý giải, việc chữa cho rùa cơ bản đã xong, nhưng lại không thể đưa về hồ được vì chưa cải tạo xong.
“Có thể vì thế mà thành phố quyết định dùng phương pháp gàu xúc... cho nhanh vì không chờ được thiết bị. Thử nghiệm tốn kém, thận trọng, bài bản, nhưng khi làm thật lại vội vã và theo cách thủ công, bất chấp các nghiên cứu triệu đô trước đây. Hồ Gươm và cụ Rùa sẽ ra sao sau đợt cải tạo này?” - một nhà khoa học đặt câu hỏi.