Trăn trở tàu vỏ thép:

Rớt nước mắt nhìn tiền tỷ bỏ biển

Tàu Sang Fish 01 về bờ sau 10 ngày đánh bắt vì liên tục gặp sự cố. Ảnh: Nguyễn Huy
Tàu Sang Fish 01 về bờ sau 10 ngày đánh bắt vì liên tục gặp sự cố. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Tiền Phong vừa khởi đăng 4 kỳ “Theo tàu thép vây cá giữa Hoàng Sa” sau chuyến tác nghiệp thực tế của phóng viên trên tàu Sang Fish 01 gần trọn tuần lễ. Tốc độ nhanh, lợi dầu, thoáng đãng, hiện đại… là tính năng nổi bật của tàu vỏ thép. Tuy nhiên, sau hải trình thử nghiệm, vẫn còn không ít những khiếm khuyết, hạn chế cần sớm khắc phục. 

Nửa hải trình đánh bắt, tàu Sang Fish 01 do “thủ lĩnh trẻ” Lê Văn Sang (28 tuổi, Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) chỉ huy, phải cập bờ Đà Nẵng sớm để sửa chữa. Cả ngày, hơn chục thợ lưới, bạn tàu dãi nắng ráo riết khâu vá từng sải lưới rách bươm, khoan hàn, sửa chữa tời, trụ cẩu trên tàu…

Anh Sang bảo: 10 ngày, tàu đánh được 5 mẻ thì 3 đêm hư tời, mất cá, phá lưới. Nhiều đêm, tời bị hư tới 3 lần. Người thêm gầy sọm, ngăm đen, nhìn Sang khác hẳn với khí thế buổi “xuất quân” mở biển chiều 12/8.

Rạng sáng 14/8, mẻ khai lưới trên tàu Sang Fish 01 ở tọa độ cách Đà Nẵng chừng hơn 80 lý, cả tàu chưng hửng. Con lăn tời hư, lưới rách do phải kéo thủ công. Mẻ lưới tối cùng ngày, chiếc tời hư trục truyền lực. Thêm một lần thất bát, bạn tàu mệt nhoài.

Cả tàu thu được 2 tạ cá nục trong hàng chục tấn cá thăm dò. Mất 2 ngày khắc phục sự cố trục tời, mẻ cá thứ 3-4 suôn sẻ, khi kéo sắc ngọt được chừng 1 tấn cá nục. Tuy nhiên, đến mẻ thứ 5, trục tời tái phát hư hỏng.

“Tuần này, tàu chính thức tiếp nhận máy dò ngang trị giá 1,6 tỷ đồng nhập từ Nhật về lắp đặt trên tàu Sang Fish 01. Sau 15 ngày nữa, tàu tiếp tục vươn khơi. Chuyến này dự kiến kéo dài 30-45 ngày, chúng tôi quyết “ăn thua đủ”, mỗi bạn tàu đút túi 7-10 triệu đồng mới vào bờ”.

Anh Lê Văn Sang. 

Rạng sáng 21/8, tàu xuôi vị trí khu vực Vịnh Bắc bộ, cách Đà Nẵng chừng hơn 120 hải lý. 4 giờ sáng, tàu bủa lưới vây. Đang đến “cao điểm” chuẩn bị rút chì thì bứt tời. Con lăn bên trái tời rách toạc vết liên kết, không thể xoay dẫn lực.

Những sải lưới dài, phủ độ sâu 170m, cõng dàn chì nặng nhanh chóng chìm âm xuống dưới đáy biển. Gần tiếng đồng hồ, tời được khắc phục nhưng lưới dính cản lớn không thể kéo. 7 cục lưới, mỗi cục dài 11m, sâu 100m, phá lưới nằm gọn xuống biển. Anh Sang bảo: Nhìn tiền tỷ trôi biển mà đứt ruột.

Riêng lưới mất đứt 250 triệu đồng. Xót hơn, khi ngay tại vị trí này, tàu QB-91478TS của ông Quyết (Quảng Bình) tổ chức “đánh sái” trúng đậm 2 đêm liền.

Mẻ đầu đạt gần 30 tấn, đêm thứ hai ngót nghét 15 tấn cá nục, thu 400 triệu đồng. Chiếc tàu hậu cần ĐNa 90444TS công suất 1.300CV của anh Sang, hai đêm liền chỉ dành chở “chiến lợi phẩm” trên tàu ông Quyết vào bờ. 

Rớt nước mắt nhìn tiền tỷ bỏ biển ảnh 1

Thành viên trên tàu Sang Fish 01 tự sửa chữa máy tời, trục cẩu

“Kỹ thuật mình có, bạn tàu rành nghề, dò tọa độ cá chính xác nên thất bại này không nằm ở yếu tố con người mà ở khâu máy móc của tàu vỏ thép”, anh Sang bức xúc. Không ít lần sửa chữa sự cố trục tời, anh Sang phải gằn giọng: Làm như thế chết dân! Với nghề lưới vây rút chì, máy tời là “trái tim” của cả tàu. Trái tim khỏe thì đánh bắt mới tốt.

Khi tiếp nhận tàu Sang Fish 01, anh Sang kiến nghị đến đơn vị đóng tàu - Cty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) về những bất ổn của trục tời. Nhưng bộ phận kỹ thuật công ty này chỉ đến “vặn vài con ốc rồi về”.

Theo thuyền trưởng tàu Sang Fish 01 - anh Phan Bé (Đức Phổ, Quảng Ngãi), tàu dự định đánh bắt 20 ngày, mới được nửa thời gian, đánh vài tấn cá nục trị giá 25 triệu đồng đành phải về bờ sớm (ngày 22/8) vì liên tiếp gặp sự cố, tời hư, lưới mất. Chúng tôi tự sửa lại trục tời, di dời trụ cẩu về phía mũi tàu tạo không gian xoay xở khi kéo lưới.

Trăn trở “giấc mơ tàu thép”

10 ngày vươn khơi đánh bắt, tàu Sang Fish 01 ngốn 3.000 lít dầu. Theo anh Sang, so với tàu gỗ cùng loại, tàu thép lợi 15%. Trọng lượng càng tăng, mức lợi dầu giảm. Trước đây, khi thực hiện 3 chuyến làm hậu cần, tàu Sang Fish 01 lợi dầu đến 30% so với tàu gỗ.

Anh Bé bảo: Phát triển tàu thép là chủ trương đúng đắn để hiện đại hóa nâng cao sức khai thác, tạo độ an toàn, tiện nghi của ngư dân trên tàu. Vấn đề là mẫu tàu, máy móc, ngư lưới cụ ra sao. Ngay cả những mẻ lưới trơn tru, cá đọng lưới khá hạn chế. Nhiều ngư dân trăn trở: có thể với đặc tính vỏ thép, tạo không gian kín khiến tiếng máy bị khuyếch đại so với tàu gỗ gây tiếng động lớn, xua cá? 

Rớt nước mắt nhìn tiền tỷ bỏ biển ảnh 2

7 cục lưới, trị giá 250 triệu đồng bị “trôi” xuống biển sau chuyến tàu thử nghiệm, hàng trăm mét lưới tàu Sang Fish 01 hư hại 

Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 của ngư dân Mai Thành Văn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa được tàu cứu hộ lai dắt cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa) do liên tục gặp sự cố. Mở chuyến biển thứ 2 được chừng 20 ngày, tàu nhiều lần bị hư máy tời.

Trao đổi qua điện thoại, anh Văn cho hay: Tàu đánh bắt được hơn 11 tấn cá ngừ, đến ngày 24/8 khi đang ở vùng biển phía Nam cách Bà Rịa-Vũng Tàu 150 hải lý về phía Đông bị bứt máy chính, tàu phải chạy với tốc độ thấp nhất, nhưng vẫn không thể khắc phục nên điện báo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, điều tàu SAR 413 lai dắt về bờ.

Theo anh Văn, chuyến đầu mở biển tàu Hoàng Anh 01 bộc lộ nhiều hạn chế: cabin cao gây rung lắc lớn, tàu dao động mạnh, chân vịt nhỏ khiến sức đẩy thấp, tổn phí nhiên liệu… Lần này, tàu bị bứt tời, hư máy chính.

“Chúng tôi chờ đánh giá từ tàu anh Văn, anh Sang để có điều chỉnh, đúc rút kinh nghiệm. Đây là những tàu mẫu, thử nghiệm nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khó tránh khỏi những sai sót”.

Ông Ngô Tùng Lâm

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Cty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh, kiêm Giám đốc Nhà máy đóng tàu Nha Trang, cho hay: đơn vị tiếp nhận thông tin và cử đội kỹ thuật ra khảo sát, lập phương án sửa chữa cho tàu Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01. Riêng với tàu anh Văn, chúng tôi đã làm việc và dự định tiến hành chỉnh sửa theo kiến nghị của chủ tàu: hạ cabin, thay chân vịt… ngay từ chuyến biển đầu tiên.

Tuy nhiên, anh Văn muốn đi tiếp chuyến thứ 2 về mới sửa chữa. Vấn đề “tiếng động” tàu thép, ông Lâm cho rằng: đây có thể là suy đoán của ngư dân, rất thiếu căn cứ để đánh giá. Giả có tiếng động này thì việc truyền sóng âm dưới nước rất hạn chế. Cá lại ở độ sâu vài chục mét nên chắc chắn khó bị ảnh hưởng. 

Ông Ngô Tùng Lâm, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) nhận định: tiếng động này là không thể, tàu khi vây cá hầu như ít di chuyển, máy móc vận hành nhỏ. SBIC hiện thực nghiệm 4 mẫu tàu cá vỏ thép vươn khơi.

Theo kết quả khảo sát 2 mẫu tàu của ngư dân Nam Định được đánh giá tốt, ổn định. “Chúng tôi chờ đánh giá từ tàu anh Văn, anh Sang để có điều chỉnh, đúc rút kinh nghiệm. Đây là những tàu mẫu, thử nghiệm nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Khó tránh khỏi những sai sót. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những mẫu tàu hoàn thiện, tạo kho dữ liệu thiết kế tàu thép phù hợp nhất cho ngư dân. Từ đây sẽ “nhân bản” hoàn toàn miễn phí cho ngư dân”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, 2 tàu Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01 đều thuộc SBIC cho ngư dân thuê đánh bắt, đồng góp vốn nên các hư hại về kỹ thuật, thân vỏ, máy móc được hỗ trợ khắc phục, sửa chữa, kinh phí không do ngư dân chịu.

MỚI - NÓNG