Rối người, người rối xứ Đoài: Có hút được du khách?

Thôn nữ cấy lúa trong bộ dạng con rối. Ảnh: N.M.Hà.
Thôn nữ cấy lúa trong bộ dạng con rối. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Một sản phẩm nghệ thuật- du lịch văn hóa mới được đưa vào thị trường: vở diễn thực cảnh lấy rối nước làm cốt lõi sáng tạo Thuở ấy xứ Đoài. Núi Sài Sơn chính là trục đối xứng giữa bên này là thắng cảnh chùa Thầy, bên kia là sân khấu rối nước. Kỹ xảo ánh sáng kéo núi gần lại thành phông nền ấn tượng. Phải nói nơi diễn ra Thuở ấy xứ Đoài cực kỳ đắc địa cảnh quan.

Các tour du lịch nhất là cho khách Tây có thêm lý do chính đáng để đưa du khách đến ngắm hoàng hôn ở chùa Thầy, sau đó qua bên kia núi ăn nhẹ tại nhà trưng bày nghệ thuật rối nước trước khi bước vào chuyến du hành văn hóa lúa nước do Tễu dẫn đường. Thuở ấy xứ Đoài bao gồm các hoạt cảnh rối nước xen kẽ “rối người” và trình diễn âm nhạc dân tộc trên nền hòa âm hiện đại. Nội dung vở diễn nói về đời sống làng xã Việt Nam thuở xưa, lồng vào câu chuyện đôi trai gái quen nhau từ thuở mò cua câu ếch. Rồi chàng đi thi, đỗ đạt vinh quy bái tổ.

Mẹ của đạo diễn Việt Tú là nghệ sĩ nhà hát rối nước Thăng Long, nên từ bé anh theo mẹ đi diễn khắp nơi. Khi được ông Đào Hồng Tuyển- chủ tập đoàn Tuần Châu- giao cho một cái hố (sau khi đất đã được đem đi làm các công trình khác), Việt Tú nghĩ luôn tới rối nước. Duyên hơn nữa, chùa Thầy cũng là nơi phát tích bộ môn này.

Theo sách Đại Nam Nhất thống chí, đời Lý có vị cao tăng họ Từ, tên tục là Lộ, con vị quan Đô sát Từ Vinh (quê làng An Lăng- huyện Vĩnh Thuận, nay là Từ Liêm - Hà Nội). Ngài ứng thí khoa Bạch Liên, đỗ đầu nhưng không ra làm quan mà quyết tâm xuất gia học Đạo, rồi cùng các ngài Giác Hải, Không Lộ sang Tây Thiên cầu Phật. Ngài đi khắp bốn phương tham Thiền vấn Đạo, rồi về vùng Sài Sơn dựng gậy tích, lập thảo am, ngày đêm tu tập. Khi đã ngộ được tâm ấn, thiền sư giảng đạo, dạy học, hái thuốc chữa bệnh cho dân. Dưới chân núi Sài, thiền sư dạy dân đào hồ trước chùa gọi là Long Trì, giữa hồ dựng thủy đình, dạy dân làm rối, múa rối nước trong các ngày hội. Nhân dân trong vùng kính phục, gọi thiền sư là “Thầy”, chùa ngài tu gọi là chùa Thầy, núi ngài hóa cũng là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy.

Thuở ấy xứ Đoài có hẳn một phần tên là Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh. Đây là lúc đôi uyên ương nên duyên và nảy sinh nhiều thắc mắc về cuộc mưu sinh. Họ mới lên núi cầu Thầy. Cả quả núi bèn sáng rực lên, tiếng thiền sư vang vọng: “Cõi đời giả tạm chớ nên tôn/ Cuộc thế nhân sinh muốn được tồn/ Vinh hoa phú quý do nhân tạo/ Sự nghiệp danh thành bởi mình ôn.../” (trích bài kệ do Đại đức Thích Minh Xuân, trụ trì chùa Long Đẩu chấp bút). Màn chiếu sáng hoành tráng cùng nội hàm văn hóa tâm linh khiến người xem rung động. Hy vọng khán giả nước ngoài cũng cảm được phần nào.

Diện tích sân khấu lên tới 3.000 m2, mà con rối thì không phải cứ phóng to lên được. Chả là rối vốn tỷ lệ với người cùng bộ máy điều khiển. Rối chỉ cần to thêm một tí là nặng hơn nhiều vì gỗ ngấm nước. Vì thế trong hầu hết các trò rối đều có người diễn chung hoặc người diễn hoàn toàn như Vinh quy bái tổ.

  Trước trò Đuổi cáo bắt vịt, có cảnh bà lão chăn vịt do diễn viên vốn có nghề chăn vịt xua vịt thật ra. Bọn vịt trắng bóc, béo tốt đi ngay hàng đúng hướng theo sự điều khiển chuyên nghiệp khiến khán giả thích thú. Nhưng vẫn có cảm giác hơi mất vệ sinh vì khả năng chúng làm bẩn nước. Đó cũng là những con vật thật duy nhất tham gia vở diễn.

Nông nghiệp cấy cày, các thôn nữ mặc trang phục như rối, đội đầu rối ra cấy lúa và múa xung quanh tòa thủy đình ở trung tâm. Tòa thủy đình cùng hệ thống vận hành tiêu tốn cỡ 15 tỷ. Cái khó ở đây là với trọng lượng 10 tấn, nó vẫn phải nhô lên thật nhanh khi vở đang diễn ra. Các chuyên gia Việt Nam cố hết sức, dùng công nghệ của tàu ngầm đưa ra con số 8 phút.

Đạo diễn đành nhờ ê-kip Trung Quốc, thủy đình từ dưới mắt nước ngoi lên trọn vẹn chỉ mất phút rưỡi. Bị kêu đắt, họ bèn khuyến mại thêm hai bụi tre cùng nổi lên hai bên làm sân khấu phụ. Để thủy đình nổi lên thật nhanh, tất cả các kết cấu thép đều được đục lỗ như cái rây để nước chảy qua. Đặc biệt là thủy đình có tỷ lệ, hình sắc y chang thủy đình chùa Thầy. Thiết nghĩ thủy đình sân khấu hoàn toàn có thể mang màu sắc tươi mới (mà không lòe loẹt) chứ không nhất thiết phải rêu xám như thủy đình thật.

Sân khấu mặt nước góp phần làm cho các hiệu ứng ánh sáng thêm lung linh. Để các diễn viên di chuyển và trình diễn, có các con đường dọc ngang sân khấu thấp hơn mực nước dăm phân. Cho nên để làm động tác chèo thuyền chẳng hạn, diễn viên chỉ việc khua mái chèo xuống, nước bắn lên là đẹp.

Tất nhiên là còn nhiều trò nữa để chơi với nước, đây mới chỉ là những thể nghiệm đầu tiên. Đạo diễn Việt Tú cho hay anh và ê-kip đã đóng gói toàn bộ vở diễn giao cho tập đoàn Tuần Châu khai thác. Nhưng trong khoảng 3-6 tháng, người của anh sẽ theo dõi vở diễn xem có “biến tướng” gì không để kịp thời điều chỉnh.

Việt Tú bỏ cả năm lăn lộn với dân làng để huấn luyện khoảng 150 nông dân, lao động phổ thông, trẻ em, người già… thành diễn viên múa hát diễn xuất đủ trò. Anh cho hay nếu dùng diễn viên chuyên nghiệp, thời gian dàn dựng chỉ mất 3 tháng. Nhưng rõ ràng việc “tận dụng” những con người của chính vùng đất này là giải pháp khôn ngoan và bền vững. Khán giả sẽ cảm thấy thú vị hơn, háo hức hơn. Diễn viên cũng say sưa hơn khi kể chính câu chuyện quê mình. Chưa kể họ sẽ là những người ủng hộ cho vở diễn, giúp đem nhiều du khách về làng mình.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.