Rocker Trung Thành Sago: Rock TPHCM đi tìm đất sống

Rock TPHCM đang tìm “lối thoát” để đến với khán giả. Ảnh tư liệu.
Rock TPHCM đang tìm “lối thoát” để đến với khán giả. Ảnh tư liệu.
TP - Trung Thành Sago (tên thật là Nguyễn Thái Thành) là một trong những nghệ sĩ rock kỳ cựu và nhiều năm gắn bó với phong trào nhạc rock. Anh đã dành cho PV báo Tiền Phong cuộc trò chuyện về đời sống nhạc rock TPHCM trong quá khứ và hiện tại.

Anh Trung Thành Sago đến với nhạc rock như thế nào?

Tôi chơi nhạc rock từ năm 1972 từ khi còn đi học trường cấp 3 Phú Nhuận. Chủ yếu chơi cho tụ điểm Coffe Shop này là nhà văn hóa Phú Nhuận. Từ năm 1974 thì chơi nhạc cho người nước ngoài nhiều hơn ở các bar Mỹ. Từ 30 tháng Tư năm 1975, thì chơi nhạc cách mạng cho quận, lúc đó mới 19 tuổi.

Nhạc rock Sài Gòn trước 1975, theo anh có thành tựu gì?

Trước giải phóng Sài Gòn có khoảng 20 band trong đó 10 band nổi tiếng. Ngày xưa không kêu là nhạc rock mà coi là kích động nhạc. CBC ban nhạc được đánh giá là nổi tiếng nhất. Ban đầu, các ban nhạc rock Philippine rất mạnh và rất được ngưỡng mộ, nhưng giới trẻ ta đã tạo dựng nên đời sống nhạc rock của mình và trình độ tiến triển rất nhanh, chỉ mấy năm sau thì các band Philippine không chen chân được vào các tụ điểm lớn của Sài Gòn được nữa. Tôi nghĩ đó là đóng góp lớn của các bạn trẻ lúc ấy.

Nhạc rock TPHCM sau năm 1975 như thế nào?

Sau năm 1975, các tụ điểm các bar không còn nữa, nhưng lại sôi động rock công nhân, các nhà máy thường có các ban nhạc rock để tạo khí thế sôi nổi trong giới trẻ. Tôi cũng như nhiều người khác, muốn chơi nhạc rock nên xin đi làm công nhân để vào các đội văn nghệ, được chơi nhạc rock. Tuy vậy, cũng khá nhiều nghệ sĩ rời khỏi Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhiều người đi theo các dòng nhạc khác. 

Nhạc rock TPHCM hồi sinh như thế nào?

Tôi nghĩ đó là giai đoạn mà chơi nhạc rock không được khuyến khích những cũng không bị cấm nữa. Những năm 1990 -2000 đó là khoảng thời gian hình thành và phát triển nhiều ban nhạc rock có uy tín, hoạt động độc lập mà không dựa vào các nhà máy xí nghiệp. Những album nhạc rock đầu tiên cũng được phát hành trong giai đoạn này.

Ban nhạc chúng tôi có lẽ là ban đầu tiên của giới Rock trong Nam diễn tại Hà Nội năm 1991 -1992. Đoàn chúng tôi lấy tên là Rock Sài Gòn, diễn tại Cung Việt Xô 3 buổi, ra Hà Đông, Quảng Ninh, lên Tuyên Quang... Tại cung Việt Xô, chúng tôi đã  mời Mỹ Linh hát, lúc đó Mỹ Linh còn là cô bé tóc tém. Hà Nội lúc đó có ban nhạc Hoa Sữa thôi. Khi quay về TPHCM chúng tôi đổi tên ban thành Sago Metal.

Rocker Trung Thành Sago: Rock TPHCM đi tìm đất sống ảnh 1

Nghệ sĩ Trung Thành Sago. Ảnh: T.N.A.

Những ban nhạc rock trẻ sau 1975 được hình thành như thế nào?

Nhu cầu chơi nhạc rock thì thời nào cũng có. Nhưng vài trò của xã hội cũng không nhỏ. Thời điểm ấy thành phố có CLB Sài Gòn Rock của Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố, anh Hải là tay bass của ban nhạc rock Anpha phụ trách, giám đốc là Vi Nhật Tảo. Tôi cũng là một trong những thành viên tham gia với tư cách phó chủ nhiệm, nhưng tôi chủ yếu quan tâm về chuyên môn. Lúc CLB Sài Gòn Rock đó tổ chức nhiều sô lớn ở sân vận động. Tiếng tăm thì nhiều, nhưng thành công về doanh thu không nhiều. Các ban nhạc rock lớn hiện nay của thành phố như  UnlimiteD, Microway… cũng từ câu lạc bộ mà trưởng thành. Một trong những chương trình CLB Sài Gòn Rock để lại dấu ấn là chương trình kết hợp nhạc rock với nhạc cổ điển đầu tiên của Việt Nam.

Anh đánh giá tình hình nhạc rock của TPHCM hiện nay?

Tôi phải rất buồn nói rằng nhiều nghệ sĩ rock tên tuổi đã qua đời, nhiều người định cư ở nước ngoài, nhiều anh em hiện đang ốm đau bệnh tật và đó là thiệt thòi rất lớn về mặt con người của giới rock Sài Gòn. Nhiều bầu sô, những người giỏi về quản lý, có tài tổ chức thì giải nghệ hoặc kinh doanh lĩnh vực khác hết rồi.

Khác với thế hệ chúng tôi chỉ biết chơi nhạc, ngày nay các bạn trẻ học hành nhiều, có nhiều lựa chọn và các bạn thường cho biết chơi rock vì đam mê chứ không nhìn thấy tương lai, bởi vậy chỉ xem chơi nhạc như nghề tay trái hoặc không phải là một nghề nghiệp. Cụ thể là cách đây 5 năm toàn thành phố có 35 ban rock, hiện nay chỉ còn hơn 20 ban.

Các ban nhạc rock không thể sống bằng nghề của mình và đó là nguyên do chính dẫn đến thoái trào?

Đúng như vậy. Nếu chơi nhạc rock mà sống được, có thu nhập tốt thì sẽ không bao giờ thiếu người chơi nhạc rock chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay các ban nhạc không có đất diễn. Đời sống âm nhạc TPHCM hiện nay chủ yếu dựa vào các bar và tụ điểm mà hầu hết không dành cho nhạc rock. Một vài điểm diễn chính như RFC hay Acostic thì quá tải khi có khoảng 40 ban nhạc tham gia và không chỉ là các ban nhạc rock. Những tụ điểm khác như Cà phê Yoko, Circle bar, Chu bar cũng vài chục ban nhạc xếp hàng đợi lịch diễn.

Các chủ phòng trà, các bar thường chê nhạc rock diễn ồn ào, khiến hàng xóm dị nghị phản đối, các nghệ sĩ lại đánh bốc lửa quá khiến nhạc cụ, âm thanh hư hại nhiều khiến chủ quán bị lỗ…

Ưu điểm của các bạn chơi rock trẻ hiện nay?

Nhạc rock thì thế hệ nghệ sĩ nào cũng có cái hay của thế hệ đó, âm nhạc là bao la và rock cũng vậy. Thế hệ các bạn trẻ ngày nay chủ yếu ban ngày đi học, đi làm tối chơi nhạc. Họ tiếp cận nhiều nét văn minh. Tôi cũng thường học hỏi đệ tử của mình về cách sử dụng các phần mềm thu âm, soạn nhạc.

CLB Rock Sài Gòn sẽ làm gì tới đây để giúp khôi phục phong trào nhạc rock TPHCM?

Với tư cách phó chủ nhiệm CLB Rock Sài Gòn, tôi nghĩ phải đẩy phong trào lên, để làm sao các ban nhạc có đất diễn, có tiền cát xê, dù chỉ tiền cà phê thôi, để các cháu thấy vui. Nếu nhìn rộng hơn thì các nước trong khu vực phong trào nhạc rock rất phát triển,  các nước ở gần như Lào và Campuchia cũng đã có rất nhiều ban nhạc rock chất lượng. Thời gian gần đây, một số nhà quản lý bảo với tôi: Trước kia không khuyến khích cũng không cấm nhạc rock, nhưng bây giờ phải khẳng định là chúng ta khuyến khích nhạc rock. Chúng ta đang hòa nhập với thế giới và không thể để bị tụt hậu.

Tháng Tư năm 2017 này, chúng tôi mới vừa ra mắt MetalRock (không gian rock)  tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố. Chúng tôi đang dàn dựng sô đầu tiên, dự kiến 20/5 sẽ có buổi biểu diễn đầu tiên với 4-6 ban nhạc trình diễn. Dự kiến trung tâm ca nhạc nhẹ và CLB Metal Rock sẽ tổ chức mỗi tháng một chương trình nhạc rock với khoảng 4 ban tham gia.

Điểm mới trong chiến dịch khôi phục nhạc rock lần này là gì?

So với những năm 2000 thì lần này chúng tôi cơ sở vật chất tốt hơn, Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố cho anh em biểu diễn trên sân khấu có âm thanh chuyên nghiệp, ánh sáng đẹp ngay tại trung tâm. Về nội dung, chúng tôi khuyến khích phát triển nhạc rock lời Việt do chính anh em trẻ sáng tác. 

Rất nhiều doanh nghiệp và nhà hảo tâm cho biết, nếu phong trào nhạc rock phục hưng thì sẽ thu hút được nhiều tài trợ. Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu là dù làm phong trào cũng phải có lãi, vì lỗ thì không ai vui, còn có lãi dù ít thì tất cả mọi người đều vui. Trước mắt, kinh phí tổ chức và địa điểm, âm thanh ánh sáng được thành phố tài trợ hết, nhưng làm sao để thu hút khán giả đến thì đó là công việc và trách nhiệm của các bạn trẻ.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.