Ông Trump và ông Kim trong cuộc gặp ở Khu phi quân sự, năm 2019. (Ảnh: Reuters) |
Ông Ri Il Gyu là nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên, đã rời bỏ cơ quan đại diện của nước này ở một quốc gia khác để sang Hàn Quốc vào tháng trước.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông quốc tế, ông Ri cho biết Triều Tiên đã xác định Nga, Mỹ và Nhật Bản là những ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại trong năm nay và những năm tiếp theo.
Dù củng cố và phát triển quan hệ với Nga, Bình Nhưỡng rất muốn nối lại đàm phán hạt nhân nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông Ri cho biết. Ông Trump đã có những trao đổi và tiếp xúc ngoại giao chưa từng có với Triều Tiên khi ông làm tổng thống.
Các nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng đang vạch ra một chiến lược cho kịch bản đó, với mục tiêu là Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt các chương trình vũ khí của nước này, xóa tên nước này khỏi danh sách quốc gia tài trợ cho khủng bố và kêu gọi viện trợ kinh tế, ông Ri cho biết.
Những thông tin mà ông Ri đưa ra báo hiệu khả năng thay đổi so với lập trường hiện tại của Triều Tiên, với những tuyên bố gần đây về việc từ bỏ khả năng đối thoại với Mỹ và cảnh báo về xung đột vũ trang.
Một hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và ông Trump năm 2019 đã thất bại. Ông Ri nói rằng nguyên nhân một phần là do ông Kim giao phó cho các chỉ huy quân sự "thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết" thực hiện ngoại giao hạt nhân.
"Ông Kim Jong Un không biết nhiều về quan hệ quốc tế và ngoại giao, hoặc cách đưa ra phán đoán chiến lược. Lần này, Bộ Ngoại giao chắc chắn sẽ giành quyền và sẽ không dễ dàng để ông Trump trói tay trói chân Triều Tiên trong 4 năm mà không nhượng bộ bất cứ thứ gì", ông Ri nói.
Ông Ri nói rằng, với việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, Triều Tiên đã nhận được sự giúp đỡ về công nghệ tên lửa và hỗ trợ kinh tế. Nhưng lợi ích lớn hơn là ngăn chặn các lệnh trừng phạt bổ sung và làm suy yếu các lệnh trừng phạt hiện có. Ông Ri nói rằng điều này tăng quyền mặc cả của Bình Nhưỡng khi đàm phán với Washington.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gần đây bày tỏ ý muốn gặp ông Kim, nhưng vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980 vẫn là một trở ngại.
Ông Ri tiết lộ, Chủ tịch Kim sẽ tìm cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản, nhằm thuyết phục Tokyo hỗ trợ kinh tế để đổi lấy những nhượng bộ về vấn đề công dân bị bắt cóc.