Rau “đại gia” chào hàng miễn phí
Mới đây, Vingroup cho ra mắt thị trường mẻ RAT đầu tiên với thương hiệu VinEco, sau 6 tháng, tập đoàn này tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn. Toàn bộ rau của VinEco được phân phối trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ trên toàn quốc. Với những mẻ rau chất lượng đầu tiên, Vingoup tự tin chào hàng, phát miễn phí đến tận tay cư dân sống trong hệ thống Vinhomes tại Hà Nội và TPHCM. Rau phát miễn phí đến tận nhà nằm trong chương trình “Rau quả sạch cho mọi nhà”.
Từ đầu tháng 10/2015, mỗi hộ dân được 6 kg rau an toàn/lần/tuần và triển khai trong 3 tháng. Chị Võ Hồng Thu, cư dân khu R1 (Royal City) cho biết, gia đình đã 3 lần nhận quà tặng rau sạch của Vingroup và cảm giác “lần nào cũng vậy” rất hài lòng khi được sử dụng rau có nguồn gốc rõ ràng, chị Thu nhận xét: “Cả 3 lần nhận rau, tôi đều cảm thấy rau này an toàn. Khi nấu lên ăn tôi cảm nhận rõ rau cải rất ngọt…”.
Bên cạnh rau mang thương hiệu VinEco, rau củ quả tươi sạch FVF do Ngân hàng Bắc Á tư vấn, cùng nhóm dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH đang âm thầm chiếm lĩnh thị trường. Rau VinEco và rau FVF đều được cho là mang lại cảm giác yên tâm để chế biến các món rau trộn, ăn sống.
Hiện vùng rau của VinEco được trồng tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai); được sản xuất, phân phối dưới quy trình hoàn toàn khép kín, được đầu tư công nghệ Israel và máy móc tân tiến của Nhật Bản. Mỗi ngày, VinEco dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng hơn 30 tấn rau theo chuẩn VietGap và GlobalGAP, với 14 chủng loại khác nhau, rau muống hạt, mướp đắng, mướp ngọt, cải củ ăn lá, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau lang ngọn, rau bí, xà lách…
Theo đại diện Vingoup, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về giống, nước tưới, quy trình chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, phân phối, nên sản phẩm của VinEco đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng. VinEco dự kiến từ nay tới cuối năm 2015, sẽ cung ứng cho thị trường khoảng gần 4.000 tấn rau sạch đạt chuẩn VietGap và GlobalGap. Hiện tại, FVF có 3 cửa hàng phân phối sản phẩm rau quả sạch tại Hà Nội.
Phải tự lo đầu ra
Có mặt tại thôn Viên Nội, xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) vào ngày cuối tuần qua (7/11), chúng tôi thấy biển rau an toàn (RAT) được dựng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trên nhiều ruộng rau, mỗi nơi trồng một kiểu, có ruộng được che chắn bằng ni lon, ruộng để không. Tại khu vực gắn biển “Khu sản xuất rau an toàn Viên Nội”, xen kẽ những ruộng rau là ruộng lúa. Thậm chí, nhiều ruộng chỉ thả bèo…
Chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Viên Nội, xã Vân Nội) có 6 sào ruộng, nhưng dành 2 sào để trồng rau, còn lại cấy lúa. Năm nào chị cũng được đi học cách trồng RAT do xã tổ chức, nhưng chỉ áp dụng một phần. Chị Ngân cho biết: Dù là xã viên hợp tác xã nhưng nông dân phải tự lo đầu ra sản phẩm.
Trồng rau theo đúng quy trình RAT rất khó. Có một số nông dân phải tự mua thuốc ngoài, nguồn gốc không đảm bảo để phun cho rau, dù họ không muốn. “Năm ngoái, chúng tôi được hỗ trợ vốn, giống và được dậy cách làm theo chuẩn an toàn. Tuy nhiên, khi áp dụng theo hướng dẫn, rau rất xấu và bán không được giá” - chị Ngân nói.
Chị Ngân chỉ tay xuống ruộng rau mùng tơi vừa được phun thuốc sâu, nói: “Hiện 1 ruộng (420m2) rau của tôi, bình thường bán được 2 triệu đồng, nếu làm theo hướng dẫn, ra chợ chỉ bán được 1,5 triệu đồng. Rau kia ba ngày bơm một lần sẽ đẹp hơn một tuần bơm một lần”. Chị Ngân cho biết thêm, đã học cách làm quy trình VietGap như: Làm đất, bón phân, phun thuốc…nhưng hiện chỉ áp dụng quy trình bơm thuốc ở mức tương đối. Tiêu chuẩn VietGap khó hơn nhiều so với RAT.
Còn chị Nguyễn Thị Lý (xóm Nhì, Vân Nội) cho rằng, hiện RAT ở vùng Vân Nội chỉ đảm bảo được việc tưới bằng nước giếng khoan, còn việc bơm thuốc sâu vẫn phụ thuộc ý thức người trồng. “Có nơi họ bơm vi sinh nhưng có ruộng bơm hóa học. Chỉ có nông dân là xã viên mới được phổ biến trồng RAT, còn lại thì không. Ngay cả xã viên tham gia hợp tác xã nhưng vẫn phải đem rau ra chợ bán”, chị Lý nói.
Hiện toàn xã Vân Nội có trên 100ha chuyên trồng RAT. Tuy nhiên, việc giám sát xã viên sản xuất rau đều do các hợp tác xã, doanh nghiệp tự quản lý. Lãnh đạo xã Vân Nội cho biết, xã cũng có phối hợp với lực lượng chuyên môn của huyện Đông Anh và Chi cục Bảo vệ Thực Vật Hà Nội kiểm tra, nhưng ít khi phát hiện rau không rõ nguồn gốc ngoài chợ bán với danh nghĩa RAT.
Khó mở rộng diện tích VietGap
Ông Trần Văn Mây, Chủ nhiệm Hợp tác xã xóm Đầm (xã Vân Nội) cho biết, cả xã chưa có xã viên của nào có chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Hiện, nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn RAT. Ông Mây khẳng định, muốn phổ biến rau theo chuẩn VietGap phải đảm bảo đầu ra cho các xã viên. Theo ông Mây, toàn xã Vân Nội có 12 hợp tác xã vừa sản xuất, vừa sơ chế, vừa tiêu thụ rau. Thị trường chính của RAT Vân Nội là TP Hà Nội, chủ yếu đưa tới các bếp ăn, các trường học, siêu thị, chợ dân sinh...
Việc sản xuất RAT của bà con đang gặp khó khăn nhiều mặt, từ gieo trồng tới thị trường tiêu thụ. Vân Nội là đầu mối cung cấp rau cho các địa bàn khác, nhưng khi điều kiện thuận lợi, các địa phương khác cũng tự sản xuất rau. Do vậy, dù sản phẩm rau Vân Nội không rơi vào cảnh tồn đọng, dư thừa nhưng chắc chắn, giá sẽ bị giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của nông dân, đặc biệt là các hộ dân chưa ký được các hợp đồng cung ứng ổn định.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện nay toàn thành phố có khoảng 5.100 ha được chứng nhận vùng sản xuất RAT. Còn diện tích trồng theo quy trình VietGAP, dù triển khai đã lâu nhưng chỉ đạt khoảng 170 ha. Theo ông Hồng, hiện mở rộng diện tích rau theo VietGap rất khó, do nhiều vướng mắc, yêu cầu phức tạp, nông dân khó thực hiện. “Trồng theo VietGAP chỉ để phục vụ xuất khẩu”- ông Hồng nói.
Cũng ông Hồng cho biết, với thị trường rau, hiện vướng mắc nhất là kiểm soát nguồn gốc. Nông dân ở nhiều tỉnh lân cận trồng rau phun nhiều thuốc đưa vào, nên rau được trồng ở Hà Nội cũng bị ảnh hưởng.
Một lãnh đạo Cục BVTV - Bộ NN&PTNT cho biết, muốn có rau sạch, RAT, quan trọng là phải hình thành chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, người sản xuất liên kết thành HTX. Từ đó, người dân sẽ được tập huấn trồng theo quy trình nào, phun thuốc gì…Nếu không, mấy ông làm rau bẩn sẽ làm “ô nhiễm” cả vùng rau nào đó.
Theo Lãnh đạo Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện truy xuất nguồn gốc phải qua tem nhãn, chứ cầm một mớ rau, bảo nguồn gốc ở đâu thì chịu mắt thường không tài nào phân biệt được. Trong khi việc thực dán tem nhãn trên rau là hoàn toàn khả thi mà nhiều nước đã áp dụng.