Hôm nay (7/1) Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Vũ Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách quan tâm đến hiệu quả đầu ra của đề án. Theo đại biểu, khi áp dụng chính sách hỗ trợ này sẽ phải hướng đến chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay. Vậy hơn 346 nghìn tỷ này sẽ đạt được kết quả gì, hiệu quả đầu ra thế nào?
Về tiêu chí đầu tư, theo đại biểu đoàn Hà Nội, phải dựa trên nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ràng buộc. Con số 346 nghìn tỷ đồng này cần phải có những mục tiêu khác nhau. “Dù trực tiếp hay gián tiếp cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể”, bà Mai nhấn mạnh.
Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị cần tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể bị tác động nhiều nhất và có ý nghĩa tăng trưởng nhiều nhất. “Không chấp nhận đi vay cho những mục tiêu không cấp bách”, bà Mai lưu ý, đồng thời nhận định, đề án Chính phủ trình là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng cũng rất khó khăn, chấp nhận rủi ro nhưng cũng phải có bước đi thực sự vững chắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặc biệt quan tâm đến vấn đề lao động và thị trường lao động, bởi theo bà, chưa khi nào chúng ta phải chứng kiến nhiều khó khăn thế. “Đây không phải cuộc suy thoái kinh điển nhưng để lại hậu quả rất nặng nề cho thị trường lao động và người lao động, nhất là tình trạng mất việc, giãn, hoãn giảm việc làm”, bà Thuỷ cho hay.
Dẫn chứng trong quý III/2021, cả nước có tới 28 triệu người lao động hứng chịu hệ quả, trong đó 4,7 triệu người phải mất việc làm, hơn 10 triệu người phải giãn việc, đồng lương vốn đã ít ỏi, nay càng teo tóp hơn.., bà Thuỷ cho rằng, thị trường lao động đã bị đẩy vào trạng thái cung và cầu bị thu hẹp, lao động về quê gây dứt gẫy thị trường, người lao động e dè chưa quay lại làm việc, nhiều người có tâm lý chờ qua Tết mới đi làm.
Để phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bà Thuỷ cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là lao động. Đại biểu kiến nghị tăng kinh phí hỗ trợ thuê trọ cho người lao động; dành kinh phí thoả đáng hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân; đồng thời hỗ trợ xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đánh giá, COVID-19 là phép thử đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng. “Cùng là thiên thần áo trắng nhưng có sự khác nhau về trình độ, thu nhập, nên phải ban hành chính sách thế nào?”, đại biểu Dao nói và cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhân viên y tế cơ sở được học tập, nâng cao trình độ; có thêm thu nhập bằng xã hội hoá các hoạt động y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế, mở rộng thêm loại hình chăm sóc sức khoẻ gia đình…
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị áp dụng chính sách chi trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch, nên đầu tư y tế cơ sở, tăng thu nhập cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu.
Cho rằng việc miễn giảm thuế, phí là phù hợp trong bối cảnh hiện tại nhưng đại biểu Hoà đề nghị, cần quy định cụ thể đối tượng nào, doanh nghiệp nào. “Chúng ta nên tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan toả rộng”, ông Hoà nêu, đồng thời đề nghị giám sát chặt đối tượng vay vốn, không để xảy ra tình trạng mất vốn vì đối tượng vay không có khả năng chi trả.
“Hỗ trợ lãi suất cần tập trung cho đối tượng có tính lan toả, đặc biệt chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Hoà đề nghị.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) lưu ý, cần có cơ chế kiểm soát dòng tiền, tránh tình trạng đi vay lãi suất thấp nhưng lại không đưa vào sản xuất kinh doanh, lại đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, điều này rất nguy hiểm, làm suy giảm nền kinh tế.