Rạp phim, sân khấu ở TPHCM sẵn sàng mở cửa

0:00 / 0:00
0:00
Các diễn viên đoàn Trần Hữu Trang trên sàn tập vở “Ðứa con nhà họ Triệu” ngày 26/10
Các diễn viên đoàn Trần Hữu Trang trên sàn tập vở “Ðứa con nhà họ Triệu” ngày 26/10
TP - Tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đang có chuyển biến tích cực. Nhiều cụm rạp chiếu phim, rạp hát, sân khấu đã chuẩn bị chương trình, dựng vở, vệ sinh khử khuẩn, sẵn sàng khởi động trở lại sau hơn 6 tháng “đóng băng”.

Chờ khán giả

Tại hệ thống rạp phim TPHCM, phóng viên ghi nhận công tác vệ sinh, dọn dẹp đang được các nhân viên phục vụ tiến hành trong những ngày qua. Hệ thống rạp CGV, nhân viên đi quét dọn, lau chùi từng hàng ghế và tổ chức phun khử khuẩn kỹ lưỡng ở tất cả các khu vực. Chị Bích Ngọc, nhân viên cụm rạp CGV Thảo Điền Pearl (TP Thủ Đức) cho biết, Ban quản lý rạp đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn dịch bệnh khi mở cửa trở lại. Cụ thể, khi rạp phim được mở cửa, CGV sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch cao nhất như: Khử khuẩn bề mặt và xịt khử khuẩn cho rạp hằng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên và khách hàng, đo thân nhiệt cho khách trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc...

CGV cũng áp dụng các biện pháp giãn cách tại khu vực sảnh rạp phim và trong phòng chiếu theo đúng quy định để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân viên, khán giả.

Ông Lê Hoàng Minh, đại diện Hệ thống rạp BHD cho biết, những ngày qua, các nhân viên của BHD Star Cineplex khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh, phun khử khuẩn và chuẩn bị các trang thiết bị phòng dịch để mở cửa trở lại. Việc tiêm vắc xin cho nhân viên hệ thống BHD Star Cineplex cũng đã hoàn tất, 100% nhân viên được tiêm đủ 2 mũi. “Thời gian qua, BHD đã chuẩn bị sẵn nguồn phim nhập khẩu và nguồn phim trong nước khá đa dạng. Chỉ chờ có lệnh là chúng tôi mở rạp chiếu ngay”, ông Minh cho biết.

Rạp phim, sân khấu ở TPHCM sẵn sàng mở cửa ảnh 1

Nhân viên y tế đang phun khử khuẩn tại rạp BHD sáng 27/10

Sân khấu có nhiều vở mới

Ngày 26/10, nhà hát Trần Hữu Trang chính thức đưa vào sàn tập vở diễn mang tên Đứa con họ Triệu. Đây là vở diễn đầu tiên được nhà hát đưa lên sàn tập nhằm chuẩn bị cho việc mở lại sân khấu sau một thời gian dài đóng cửa. Dù rất mong được gặp lại khán giả sau thời gian dài giãn cách nhưng nhiều nghệ sĩ không khỏi lo ngại liệu khán giả có tìm đến sân khấu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rình rập đe dọa đâu đây.

Ðạo diễn Hoàng Duẩn nói rằng, hầu hết các nghệ sĩ đều mong mở cửa sân khấu trở lại, nhưng trong hoàn cảnh bình thường mới này sân khấu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là khán giả chưa ổn định tâm lý để đến sân khấu...

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt - Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết trong thời gian vừa qua, sân khấu cải lương đã tìm những giải pháp để thu hút khán giả đến với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Cụ thể, nhà hát đã xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà truyền thống Cải lương Nam Bộ. Khán giả tới sân khấu sẽ được sống trong không khí của cải lương, giao lưu cùng với nghệ sĩ, tìm hiểu về tác phẩm, tác giả trước khi vở diễn bắt đầu. Ngoài ra, Nhà hát cũng xây dựng kênh thông tin trên nền tảng Bigo để các nghệ sĩ giao lưu với khán giả, giới thiệu vai diễn, suất diễn với người hâm mộ. Hiện nền tảng Bigo đã có hơn 15 ngàn lượt khán giả theo dõi.

Cùng thời điểm này, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đang triển khai dàn dựng 2 vở múa rối là Lòng mẹ Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Theo ông Lê Diễn - Giám đốc nhà hát nghệ thuật Phương Nam, các vở diễn đều nằm trong kế hoạch của năm nhưng phải dừng do giãn cách nên khi có điều kiện, Nhà hát đã bắt tay ngay vào việc dàn dựng để đón khán giả trong dịp cuối năm. Tương tự, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM cũng đã lên kế hoạch để chuẩn bị cho các chương trình, lễ hội cuối năm của thành phố.

Bộ VH-TT-DL vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo hướng dẫn, hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm văn hóa nghệ thuật giảm 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2; giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3. Riêng địa bàn dịch cấp độ 1 có thể hoạt động 100% công suất.

Khó khăn không ít

Nhìn sang các sân khấu xã hội hóa cho thấy, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho ngày mở cửa. Theo chia sẻ của các nghệ sĩ, một thời gian dài giãn cách đã khiến sân khấu khủng hoảng nặng nề cả về cơ sở vật chất và nhân sự. Nghệ sĩ Ái Như cho biết, khi sân khấu đóng cửa, các nghệ sĩ tản mát nhiều nơi, làm đủ nghề để sống. Hiện tại các sân khấu này phải chờ tập hợp các nghệ sĩ cho ổn định mới tính tới chuyện dựng vở. Còn NSND Hồng Vân cho rằng, phải tới khi học sinh trở lại trường học, mọi hoạt động đều ổn định trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh thì sân khấu mới có thể sáng đèn.

Đạo diễn Hoàng Duẩn nói rằng, hầu hết các nghệ sĩ đều mong mở cửa sân khấu trở lại, nhưng trong hoàn cảnh bình thường mới này sân khấu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là khán giả chưa ổn định tâm lý để đến sân khấu, các vở diễn cũng cần phải có thời gian để đầu tư và tập luyện. “Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ cẩn trọng là điều cần thiết”, đạo diện Hoàng Duẩn nói.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.