Tham dự toạ đàm có nhiều gương mặt gạo cội của sân khấu phía Nam như NSND Kim Cương, NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc, NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Thành Hội, NSƯT Trịnh Kim Chi, đạo diễn Thanh Hiệp…
Tại buổi toạ đàm, các nghệ sỹ đã ôn lại những thành công và dấu ấn đã đạt của sân khấu kịch nói Việt Nam nói chung và sân khấu kịch nói tại TPHCM nói riêng, trong đó nhiều nghệ sỹ đã khẳng định sự kiện vở kịch “Chén thuốc độc” của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long được ra mắt tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội 100 năm trước đây đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nền sân khấu Việt Nam.
Sự kiện này đánh dấu công cuộc Việt hoá loại hình nghệ thuật kịch nói tiếp nhận từ văn hoá phương Tây và qua quá trình phát triển, đã tiếp thu một cách chọn lọc, đầy sáng tạo để hình thành nên kịch nói Việt Nam – loại hình sân khấu vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc, giúp sân khấu Việt Nam cân đối về thể loại, phong phú về nội dung phản ánh; hiện đại về nghệ thuật diễn tả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ.
Từ trái qua: Đạo diễn Thanh Hiệp, NSND Trần MInh Ngọc, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc |
Đặc biệt, đối với những người mở lối đưa kịch nghệ Việt hình thành và phát triển tại miền Nam, trải qua 100 năm đối mặt với nhiều thăng trầm cùng với mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc, từ chương trình phụ diễn trước khi xem một bộ phim chiếu ở rạp vào thập niên 60, NSND Kim Cương đã mạnh dạn thử nghiệm việc tổ chức diễn kịch ngắn. Sau đó thuê rạp Thanh Bình để diễn một tuần lễ kịch nói và được khán giả Sài Gòn lúc bấy giờ đón nhận. Bà đã mở lối làm kịch ở Sài Gòn, truyền cảm hứng để sau đó hàng loạt các ban thoại kịch truyền hình ra đời như: Kim Cương, Tân Dân Nam, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Bắc Sơn…Duy nhất một đoàn kịch diễn tại rạp thời đó là Ban thoại kịch Kim Cương, để rồi trở thành một đoàn kịch được công chúng yêu mến.
NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương trong vở "Lá sầu riêng" - vở diễn được coi là kinh điển của sân khấu kịch nói phía Nam |
Sau 1975, khán giả tại TPHCM còn được thưởng thức tài nghệ của các đoàn kịch nói đã tạo thương hiệu trong lòng công chúng như: Đoàn Kim Cương, Bông Hồng, Cửu Long Giang, Đoàn kịch Trẻ, Nhà hát kịch TPHCM.
Vào thập niên 1980, từ CLB Sân khấu thể nghiệm 5B của Hội Sân khấu TP HCM, Sân khấu nhỏ đã xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ cuối thế kỷ XX. Thương hiệu “5B” tại TP HCM đã được xem là giải pháp tình thế cứu nguy cho cuộc khủng hoảng khán giả kịch. Và tiếp đó là hoạt động xã hội hoá của sân khấu kịch được xem là giải pháp cứu nguy cho sàn diễn kịch nói thời đó.
Ngoài ra cũng tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã đánh giá đại dịch COVID – 19 toàn cầu đã dẫn sân khấu kịch đến tình trạng sàn diễn tắt đèn, nguy cơ “mất trắng khán giả” đang đe dọa các sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM. Việc vực lại sức sống của thể loại kịch sau 100 năm đang là thách thức của sân khấu Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng.
Chương trình tọa đàm sẽ được phát trên các nền tảng số (Fanpage) của Sở VHTT TPHCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM vào lúc 20 giờ ngày 26/10/2021.