Bắt đầu từ 23 giờ ngày 27 - 2, hàng chục công nhân của Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Cấp thoát nước, đã được huy động để nạo hút bùn hồ Gươm và dọn dẹp các dị vật dưới lòng hồ. Diện tích rộng khoảng 100m2 được quây lại. Mỗi khu vực như vậy sẽ được làm sạch trong vòng 10 – 15 ngày, sau đó sẽ chuyển sang khu vực khác của hồ.
Một cán bộ thuộc Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Cấp thoát nước, cho biết, việc nạo vét được tiến hành từ đêm đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau. Lựa chọn thời gian này để việc nạo vét không làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan hồ Gươm. Việc căng lưới, bạt tại nơi thi công cũng nhằm đảm bảo cụ Rùa không lạc vào khu vực này.
Một dãy dài các xe đẩy chất đầy khối bê tông, đá hộc được moi lên từ lòng hồ đêm hôm trước.
Một đường ống cấp nước đang bơm nước sạch lấy từ nhà máy nước Yên Phụ xuống hồ. Đường ống này có lắp thêm một số vòi nước để có thể lấy nước mang đi xét nghiệm. Hoạt động này vừa nằm trong công tác cải tạo môi trường hồ, cứu chữa cho cụ Rùa, vừa đảm bảo mực nước mùa khô năm 2011. Theo Ban chỉ đạo, quá trình cấp nước được tiến hành trong 40-50 ngày, nhằm giảm thiểu hàm lượng Clo dư, đồng thời giảm áp lực tránh xáo trộn nước trong hồ.
Các bao tải cát cũng được chở tới tập kết ở ven hồ, sau đó công nhân dong thuyền chở dần ra xếp quanh quanh chân Tháp Rùa.
Ở một góc khác, các công nhân cưa các búi rễ khổng lồ của những cành cây cổ thụ chĩa ra mặt nước. Một công nhân cho biết, việc này nhằm hạn chế bùn, đất, rác thải, rong rêu mắc kẹt hoặc bám vào chùm rễ cây, gây ô nhiễm nước hồ.
Toàn cảnh tháp Rùa đang được cải tạo nhằm giúp cụ Rùa có thể bò lên phơi nắng.
Có thể thấy bằng mắt thường sự ô nhiễm của hồ Gươm. Mặt nước hồ vẫn mang một màu xanh đặc trưng đẹp mắt, nhưng nhiều đoạn đặc sánh. Lá rụng, cá chết nổi bập bềnh vẫn là những hình ảnh chúng tôi ghi lại được trong chiều 28 - 2.