Con rắn non bò ra khỏi vỏ cách đây 99 triệu năm ở Đông Nam Á không có cơ hội lớn lên. Thay vào đó, nó bị nhựa cây rơi trúng và cuối cùng chết cứng trong nấm mộ hổ phách. Dù con rắn nở trong khu rừng cổ đại kỷ Phấn Trắng không kịp trưởng thành, xác chết được bảo quản nguyên vẹn của nó vẫn giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ hơn về quá khứ, theo Live Science.
Khối hổ phách lưu giữ hai hóa thạch đặc biệt: con rắn non nhỏ xíu và mảnh da vừa lột được cho là thuộc về một con rắn lớn hơn. Cả hai đều cung cấp bằng chứng thú vị về tổ tiên của các loài rắn hiện đại sống cách đây hàng triệu năm, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hôm qua.
Giới nghiên cứu tìm thấy nhiều mẫu vật hổ phách ở Myanmar chứa côn trùng và thực vật hóa thạch, nhưng gần đây mới phát hiện hóa thạch của động vật có xương sống, theo đồng tác giả nghiên cứu Michael Caldwell, giáo sư Khoa sinh vật học ở Đại học Alberta tại Canada. Mẫu hổ phách trong nghiên cứu được một nhà sưu tập tư nhân quyên tặng cho bảo tàng của Viện Cổ sinh vật học Dexu gần Bắc Kinh.
Bên trong khối hổ phách, các nhà khoa học tìm thấy nửa cột sống của phôi thai nguyên vẹn hoặc con rắn mới nở, gồm khoảng 97 chiếc xương và dài 4,8 cm. Phần đầu bị thất lạc, nhưng nhóm nghiên cứu xác định đây là loài mới và đặt tên nó là Xiaophis myanmarensis.
"Dù đó là rắn non, có nhiều đặc điểm riêng biệt ở phần đầu xương sống chúng tôi chưa từng thấy ở những mẫu hóa thạch rắn khác cùng loại. Xiaophis nằm ở gốc của cây phả hệ, và phù hợp với một họ rắn rất cổ xưa", Caldwell nói.
Nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xác định mảnh da rắn lột gần con rắn non. Mảnh da nhỏ đến mức họ không biết chắc nó có cùng loài với con rắn non hay không. Những mẩu vụn hữu cơ khác mắc kẹt trong khối hổ phách ít đặc biệt hơn, nhưng vẫn cung cấp nhiều chi tiết hữu ích về môi trường sống của rắn cổ đại, theo Caldwell.