Trước đó ngày 12/12, toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán học kỳ I vì tỷ lệ điểm dưới trung bình trong lần thi đầu lên tới 70%.
Sau khi nhận kết quả, nhiều học sinh, phụ huynh phản ứng đề quá khó, dẫn tới tỷ lệ điểm dưới trung bình cao. Buổi thi lại được tổ chức vào ngày 17/12 và phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân chịu trách nhiệm ra đề.
Đề thi Toán lớp 9 vừa gây phản ứng đề quá khó, dẫn tới tỷ lệ điểm dưới trung bình cao
Để giáo viên, nhà trường tự quyết?
Cô Huyền Thảo giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng việc phòng giáo dục ra đề kiểm tra học kỳ nên có thể đo được chất lượng của học sinh trên địa bàn. Nhưng điểm bất cập là không nắm và hiểu được sức học nên ra đề thi có phần" duy ý chí" dễ làm cho kết quả không như ý.
Chính vì lẽ đó, cô Thảo cho rằng, việc thi lại ở quận Thanh Xuân là điều tất yếu vì điểm không đạt được phổ điểm. Theo ma trận đề thi, phổ điểm chủ yếu của học sinh cần đạt mức sàn từ 5 trở lên theo hình tháp, như vậy đề thi mới đạt yêu cầu. Trong khi đó, đề vừa qua ở quận Thanh Xuân có tới 70% điểm dưới trung bình.
Việc kiểm tra học kỳ chỉ đơn giản đánh giá học sinh trong một học kỳ, nhằm đo lường và đánh giá chất lượng dạy và học nên không nên gây áp lực quá lớn. Vì thế cô Thảo cho rằng, bài thi kiểm tra học kỳ của học sinh thì để trường ra đề là phù hợp nhất bởi lẽ giáo viên trực tiếp dạy biết được năng lực của học sinh nên sẽ biết cách ra đề sao cho đạt được phổ điểm phù hợp và đo được năng lực học sinh.
Tuy nhiên, cần bồi dưỡng cho giáo viên để biết cách ra đề thi đánh giá đúng năng lực của học sinh. “Hiện nay, phần lớn các đề thi vẫn còn theo lối mòn nghĩa là chưa đo năng lực mà phần lớn vẫn như" luyện gà" nên khó đạt được mục tiêu”- cô Huyền Thảo nêu quan điểm.
Muốn thử nghiệm đề hướng mới
Về việc học sinh phải làm bài kiểm tra lại vì nhiều học sinh dưới điểm trung bình, trả lời báo chí, Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, giải thích là do chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.
Về vấn đề này, một nhà quản lý tại Hà Nội cho rằng, việc ra đề theo hướng mới thì nên ở kì kiểm tra đánh giá riêng, nó có thể không liên quan đến điểm của học sinh. Đó đơn thuần chỉ là kiểm tra kiến thức, không lấy điểm chứ không nên là bài kiểm tra học kì.
“Việc ra theo đề mở, mới, thử nghiệm thì chỉ phù hợp với kì thi thử, kì thi đánh giá chất lượng của học sinh. Theo tôi, nếu với học sinh lớp 9, thời điểm ra đề kiểm tra nên vào tháng 3 năm sau, thì lúc đó học sinh ôn tập các dạng bài tốt rồi chứ không nên làm sớm hơn”- vị quản lý này cho biết.
Cũng theo vị quản lý này, việc ra đề kiểm tra học kì do Phòng GĐ&ĐT hay trường ra đề đều không quan trọng, nên tùy theo quan điểm quản lý của từng quận huyện.
“Quan trọng nhất đề kiểm tra phải đáp ứng được ma trận đảm bảo được mục đích kiểm tra là đánh giá về kiến thức, kĩ năng của học sinh”- vị quản lý này nhấn mạnh.
Việc phòng GD&ĐT chỉ đạo đứng ra ra đề kiểm tra học kỳ, theo vị quản lý này là họ “có ý”.
Thứ nhất, để nhằm tạo được một đánh giá chuẩn về học sinh trong một địa bàn quận huyện, họ lập một ma trận đề kiểm tra chung mà nội dung đề thi đảm bảo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao để đánh giá học sinh.
“Đề này không phải đề thi mà chỉ là đề kiểm tra chuẩn kiến thức, kĩ năng nên cần đảm bảo 4 mức độ như vậy. Mà đề như vậy thì để phải có sự phân hóa cao, học sinh đạt điểm 5, phân vùng điểm 5 và điểm 6 là phổ điểm chủ yếu. Phổ điểm hình parabol chứ không thể có chuyện phổ điểm ngược quy luật như ở quận Thanh Xuân vừa qua được”- vị quản lý này cho biết.