Học cách nói của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “Ai cũng đúng, chỉ con đường là sai”, có thể phóng tác trường hợp này thành: “Cân xe là tốt, chỉ chiếc cân là không tốt”. Một chiếc cân hàng trăm triệu đồng mà yếu ớt dễ hỏng đến thế, mỗi lần hỏng mất hàng chục triệu đồng để sửa, mỗi lần sửa mất hàng tuần lễ, thì lấy đâu ra hiệu quả. Đã có rất nhiều phàn nàn của cảnh sát và thanh tra giao thông về chất lượng, nguồn gốc cái cân và những câu chuyện sau nó.
Đáng nói là hành động quyết tử tiêu cực đang xuất hiện nhan nhản khắp nơi, ở mọi lĩnh vực: đập phá và hôi của nhân dịp có biểu tình, đồng loạt xung phong đạp cổng trường mua hồ sơ xin học cho con, lao xe vào hoặc cầm gậy đánh cảnh sát giao thông, bất đồng một chút là vây nhà máy, phản ứng một chút là dọa rút khỏi giải bóng đá quốc gia… Quyết tử thường là hành động sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ cao cả. Ở đây, quyết tử lại giống hành vi của những người đã đến đường cùng, quyết tử nhưng chẳng ai chết cả, chỉ còn hình ảnh về sự liều lĩnh, bất chấp luật pháp là sống mãi trên internet.
Có phải bởi “pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”, “dạy học không giống ai” như thừa nhận của ngành giáo dục và ngành tư pháp trên diễn đàn Quốc hội, nên đã sản sinh ra tinh thần quyết tử có một không hai trên trái đất?
Chắc chắn đó chỉ là sự quyết tử ngớ ngẩn của số ít người Việt. Bởi những ngày này, người ta thấy những hành động quả cảm, những dòng chữ đầy yêu thương, những tình cảm rộng lớn hơn rất nhiều so với ngày thường.
Trong bài thơ “Quyết tử” đăng trên trang web Hội Nhà văn, tác giả Trịnh Sơn viết: “Còn tôi hay không còn/ phố vẫn chật người vẫn đông/biển hiệu không ghi bằng tiếng quê hương/vẫn khệnh khạng cứa vào nỗi ô nhục tuổi trẻ/Tôi phải đi ngay bây giờ/ Trường Sa, Hoàng Sa là của chúng ta…/ Không hoan hô, không ghi công tôi có bia thời gian ướp bằng muối/ Miệng ngàn thu mặn mòi cá đói/Tôi phải đi ngay bây giờ/Biển chúng ta và hải đảo chúng ta”.
Đó mới là tinh thần quyết tử của dân tộc này.