Quyết tâm ‘rửa mặt’ của Israel và bài toán của Mỹ

TP - Sau khi hứng một vố đau, khả năng cao là Israel sẽ triển khai chiến dịch tấn công tổng lực vào Dải Gaza để “rửa mặt”. Tuy nhiên, các bước đi của Israel chắc chắn bao gồm những toan tính của đồng minh Mỹ.

Đó là nhận định của ông Phạm Phú Phúc, chuyên gia bình luận quốc tế từng có 13 năm công tác ở Trung Đông với vai trò nhà báo, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 22/10 về tình hình xung đột Israel - Hamas.

Vố đau mất mặt

Theo ông, liệu Israel có thực sự mở chiến dịch tấn công tổng lực vào Dải Gaza?

Ông Phạm Phú Phúc: Mọi dự đoán đều rất khó, và dự đoán các sự kiện ở Trung Đông càng khó hơn vì khu vực đó luôn đầy rẫy bất ngờ. Nhưng theo hiểu biết của tôi và dựa trên những gì đã thấy, tôi cho rằng có khả năng Israel sẽ triển khai chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza như họ đã tuyên bố, vì những lý do sau đây.

Quyết tâm ‘rửa mặt’ của Israel và bài toán của Mỹ ảnh 1

Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc. Ảnh: Thu Loan

Israel hứng một vố quá đau, đau nhất kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh Ả-rập - Israel năm 1948 đến nay. Israel bị Hamas tấn công thẳng vào lãnh thổ của mình hôm 7/10. Có tới 1.300 người Israel thiệt mạng chỉ trong một thời gian ngắn khi Hamas bắn tên lửa dồn dập và đưa lực lượng xâm nhập Israel. Đó là điều kinh khủng đối với chính quyền Israel và người Do Thái. Chưa bao giờ họ chịu một vố như vậy.

Lý do thứ hai là có quá nhiều người Do Thái và người nước ngoài bị bắt làm con tin. Nói quá nhiều là so với suy nghĩ của người Do Thái. Năm 2011, Israel đồng ý thả cả ngàn tù nhân Palestine để đối lấy tự do cho một người Do Thái gốc Pháp. Vì thế, việc cả trăm người bị bắt làm con tin là điều kinh khủng với Israel.

Một lý do nữa là chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang suy yếu sau nỗ lực cải cách tư pháp, nay lại mất mặt vì cuộc tấn công chớp nhoáng của Hamas. Để “rửa mặt”, nội các chiến tranh Israel khả năng cao sẽ thúc đẩy cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

Nếu Israel tấn công trên bộ vào Dải Gaza, theo ông, các bên khác như Hezbollah và Iran sẽ can dự ở mức độ nào?

Nếu Israel đánh trên bộ, tôi nghĩ họ sẽ nhằm hai mục tiêu chính. Thứ nhất, săn lùng và quét sạch Hamas, như Thủ tướng Netanyahu tuyên bố. Thứ hai, giải thoát con tin. Để thực hiện hai mục tiêu đó, Israel sẽ đánh rất mạnh, rất quyết liệt, dù vẫn phải tìm cách giảm thiểu gây thương vong cho dân thường.

Nếu đánh, Israel sẽ không hạn chế về không gian và mức độ, sẽ đánh dọc từ miền bắc Gaza xuống tận miền nam, với mức độ tấn công không giới hạn. Tuy nhiên, chắc chắn Israel sẽ hạn chế về thời gian, nghĩa là sẽ đánh nhanh, chớp nhoáng.

Khi đó, Dải Gaza sẽ tan tành, suốt từ miền bắc xuống miền nam. Có lẽ miền nam sẽ đỡ hơn vì có cửa khẩu Rafah nối sang Ai Cập và hệ thống đường hầm chằng chịt của Hamas.

Quyết tâm ‘rửa mặt’ của Israel và bài toán của Mỹ ảnh 2

Một đứa trẻ được đưa ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà sau cuộc không kích ở Dải Gaza hôm 21/10. Ảnh: AP

Với Iran, theo tôi, họ sẽ phản đối rất mạnh như lâu nay, và sẽ công khai tiếp tế vật lực, tài lực và vũ khí cho Hamas. Việc tiếp tế sẽ không dễ vì cửa khẩu Rafah đang bị kiểm soát rất chặt, khó có thể đưa vũ khí qua. Nếu đưa vũ khí từ miền bắc qua ngả Li-băng càng khó hơn, vì khó có thể vượt qua Israel vào Dải Gaza. Đưa vũ khí qua đường biển càng khó hơn nữa. Iran có lẽ chỉ dừng lại ở nỗ lực hỗ trợ chứ không đưa quân và không nã tên lửa hay phóng máy bay không người lái từ đất của mình sang Israel. Tôi cho rằng Iran khó tham chiến trực tiếp.

Còn Hezbollah có thể sẽ tham gia như chúng ta thấy trong tuần qua, bằng cách bắn tên lửa từ miền nam Li-băng sang miền bắc Israel. Khả năng họ sẽ bắn tên lửa dồn dập nếu Israel tấn công Dải Gaza tổng lực. Hezbollah là một lực lượng rất mạnh, được gọi là “nhà nước trong nhà nước” ở Li-băng, nhưng họ cũng lo sợ tình hình sẽ bùng nổ nếu tham chiến trực tiếp. Tuy nhiên, đó chỉ là một giả thuyết, vì mọi dự đoán về Trung Đông đều rất khó.

Ông hình dung như thế nào về kết cục cho Dải Gaza nếu Israel tấn công tổng lực?

Chắc chắn Dải Gaza sẽ tan hoang và thất thủ, nhưng Israel không thể truy quét và xoá sổ được Hamas. Hamas đã ăn sâu trong lòng Gaza, ít nhất từ năm 2005 đến nay. Israel cũng không thể giải phóng hết con tin, cũng không thể dựng lên một lực lượng khác để cầm quyền ở Gaza. Israel không có chủ trương tái chiếm Gaza. Trên thực tế không có lực lượng nào đủ mạnh để thay thế Hamas cầm quyền ở Gaza, kể cả phong trào Fatah của Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.

Dải Gaza sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng tồi tệ nếu Israel đánh tổng lực. Sau đó, song song với khủng hoảng nhân đạo sẽ là nhiệm vụ tái thiết Gaza, một công cuộc tốn rất nhiều tiền của.

Kế hoạch lỡ dở

Theo ông, vì sao Mỹ không thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas?

Mỹ quá bất ngờ với cuộc tấn công ngày 7/10. Bằng cuộc tấn công đó, Hamas đã ngăn cản công cuộc bình thường hoá quan hệ giữa Israel với thế giới Ả-rập, đặc biệt là Ả-rập Xê-út, mà Mỹ đang đóng vai trò trung gian và sắp thành công.

Mỹ rất căm thù Hamas vì lực lượng này gây khó cho chính sách Trung Đông và chính sách đối ngoại nói chung của Mỹ. Mỹ muốn Israel yên ổn để Mỹ bớt gánh nặng phải lo an ninh cho đồng minh. Nhưng Hamas ngang nhiên tấn công, khiến Mỹ rất khó chịu. Vì những lý do đó, tôi thấy Mỹ có vẻ chỉ quan tâm đến khía cạnh nhân đạo, ít quan tâm đến diễn biến chiến sự. Mỹ cũng đã công khai ủng hộ Israel tấn công Hamas.

Mỹ có ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định của Israel?

Không riêng vụ này, mọi quyết định của Israel liên quan đến an ninh của họ và quan hệ với thế giới Ả-rập, bao gồm Palestine, đều phải tham khảo ý kiến của Mỹ. Mỹ dường như luôn là bên đưa ra quyết định cuối cùng. Ví dụ, ngay sau vụ tấn công 7/10, theo báo chí khu vực, Israel có vẻ quyết định tấn công trên bộ ngay lập tức vào Dải Gaza, nhưng chắc chắn Mỹ không đồng ý với chủ trương đó và tái chiếm Gaza, nên Israel đến giờ vẫn chưa đánh tổng lực. Nếu chiến dịch tấn công trên bộ diễn ra thì Israel cũng không tái chiếm Dải Gaza, vì đó không phải mong muốn của Mỹ.

Hiện nay, đánh Hamas như thế nào và đến đâu chắc chắn là điều Israel phải tham khảo Mỹ chứ không thể tự mình xử lý cuộc chiến này.

Ông cho rằng bài toán nào có lợi nhất cho Mỹ ở khu vực?

Đó là việc Israel thiết lập quan hệ ngoại giao với càng nhiều quốc gia Ả-rập càng tốt. Mỹ nhìn ra điều đó từ lâu, đã bỏ nhiều tiền bạc và công sức để đạt được. Điều mới nhất là Mỹ rất muốn Israel và Ả-rập Xê-út thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bài toán Israel - Palestine được giải quyết ổn thoả cũng có lợi cho Mỹ. Mỹ ủng hộ một phần Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc năm 1947, theo đó sẽ xây dựng hai nhà nước tồn tại vĩnh viễn bên cạnh nhau, cùng phát triển và chung sống hoà bình, trong đó Israel có 56% lãnh thổ, Palestine có 44%. Nghĩa là Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước và điều đó có lợi cho Mỹ, vì khi đó Mỹ không mất nhiều tiền của để lo cho đồng minh Israel.

Một hướng có lợi cho Mỹ là bớt can dự vào Trung Đông, như kế hoạch “xoay trục” mà chính quyền Barack Obama đã đưa ra để chuyển sang châu Á. Nói ngắn gọn là Mỹ muốn rút khỏi Trung Đông càng nhiều càng tốt.

Ông đánh giá như thế nào về thời điểm nổ ra xung đột Israel - Hamas lần này?

Tôi muốn nói rằng bản chất của xung đột Israel - Palestine và rộng hơn là xung đột giữa Israel với thế giới Ả-rập là một bên lấy được đất thì cố giữ lấy đất, còn bên mất đất thì cố đòi lại. Vì thế, chiến tranh diễn ra dai dẳng suốt từ năm 1948 đến nay.

Hamas là một lực lượng kháng chiến của người Palestine. Mục tiêu của cuộc chiến này cũng nhằm đòi lại đất. Hamas coi đây là trận quyết đấu, đòi lại 44% đất mà Israel chiếm. Cuộc chiến này làm cho Israel và thế giới bất ngờ, nhưng Hamas đã chuẩn bị rất kỹ hàng năm nay.

Năm ngoái, khi Hamas kỷ niệm 35 năm thành lập, thủ lĩnh quân sự của Hamas Mohammed Deif tuyên bố rằng “năm sau (tức năm 2023) chúng ta sẽ đối diện trực tiếp với kẻ thù”, nghĩa là họ đã chuẩn bị rất kỹ.

Việc Hamas bất ngờ tấn công vào thời điểm này cũng vì muốn thế giới Ả-rập chú ý một lần nữa, phải lo cho sự nghiệp Palestine, trong bối cảnh số phận của Palestine có vẻ đang bị chìm đi do nhiều vấn đề khác nổi lên trên thế giới.

Một lý do khiến Hamas chọn thời điểm này để đánh Israel vì gần đây một loạt nước Ả-rập như UAE, Bahrain, Qatar và Ma-rốc đã bình thường hoá quan hệ với Israel, còn Ả-rập xê-út sắp tiến tới quyết định đó. Hamas muốn ngăn chặn xu hướng này, để các nước Ả-rập phải quay lại với Palestine.

Cảm ơn ông.

Viết tên con lên chân để dễ nhận dạng nếu trúng bom đạn

Ngày 22/10, Bộ Y tế Palestine thông báo, số người chết ở Dải Gaza kể từ ngày 7/10 đã tăng lên 4.651 và hơn 14.245 người bị thương. Người phát ngôn Bộ Y tế Ashraf Al-Qidra nói rằng, 24 giờ qua, 266 người thiệt mạng, trong đó có 117 trẻ em. Một số bậc cha mẹ ở Dải Gaza viết tên con mình lên chân của chúng để giúp nhận dạng nếu bọn trẻ hoặc phụ huynh không may thiệt mạng vì bom đạn.

Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố sẽ tăng cường oanh tạc Dải Gaza, trong bối cảnh Mỹ đang gửi thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tới Trung Đông. Tham mưu trưởng IDF nói với các sĩ quan chỉ huy rằng, quân đội sẽ “tiến vào Dải Gaza” và bắt đầu chiến dịch tiêu diệt Hamas.

Thái An (theo CNN)

Tin liên quan