Quyết định khó khăn nhất

Mừng thọ Đại tướng 95 tuổi
Mừng thọ Đại tướng 95 tuổi
TP - Có lẽ, đây là lần đầu tiên có ngoại lệ, nhất là trong một việc hệ trọng, quan hệ đến lịch sử phát triển của cả dân tộc. Không có tính quyết đoán của một thiên tài quân sự thì không dám nhận trách nhiệm sinh tử trước quyết định ấy.
Mừng thọ Đại tướng 95 tuổi
Mừng thọ Đại tướng 95 tuổi . Ảnh: P.Y

3. Ở Điện Biên Phủ, Đại tướng đã phân tích, tính toán thế nào? Đọc bài viết Quyết định khó khăn nhất của ông trong cuốn Điện Biên Phủ (Nxb Chính trị, 1998) có thể hình dung được những nét đại thể như sau:

Điện Biên Phủ có nhiều điều bất ngờ với người Pháp. Bất ngờ đầu tiên là ta đưa được pháo vượt đèo cao, vực sâu vào đặt trên những triền đồi núi xung quanh lòng chảo Điện Biên để nã xuống các trận địa đối phương, người Pháp yên trí là ta không thể làm được thì ta đã làm được.

Nhưng sẽ không còn bất ngờ nữa khi ta nã xong loạt đạn đầu. Khói đầu nòng sẽ làm cho máy bay địch phát hiện ra. Trận địa pháo ta vốn đã phơi mình trên địa hình trống trải lại không thể di chuyển sang địa điểm khác. Chỉ vài loạt phản pháo của địch chẳng mấy chốc ta sẽ bị thương vong cả người và pháo. Không thể nào tiếp tục chiến đấu yểm trợ cho bộ binh được. Chưa nói đến việc tiếp đạn khi chiến đấu rất khó khăn.

Ta lại chưa quen hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh, chưa quen đánh ban ngày. Đánh công kiên mới hạ được một tiểu đoàn địch ở Nghĩa Lộ, còn ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản, nhỏ hơn Điện Biên Phủ nhiều, ta mới đánh từng tiểu đoàn, chỉ có công sự dã chiến mà còn “thương vong đến mức không thể chấp nhận được”, phải dừng lại.

Trong tờ trình của Tổng quân ủy gửi Bộ Chính trị ngày 6-12-1953 có dự kiến muốn hạ Điện Biên Phủ phải mất khoảng 45 ngày. Kinh nghiệm chỉ huy của ông cho rằng, chỉ có thể hạ tập đoàn cứ điểm mạnh bằng cách đánh dần từng bước nhưng….

Khi trao đổi với Trưởng đoàn Quân sự nước bạn, đồng chí này vẫn cho rằng cần đánh sớm, bằng cách đánh nhanh thắng nhanh. Mười một ngày trước ngày nổ súng (14-1-1954), cuộc họp của ông với các cán bộ trung, cao cấp vẫn thống nhất tinh thần ấy, dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong hai ngày ba đêm.

Ngày giờ nổ súng được quyết định là 17 giờ ngày 25-1-1954. Nhưng trong thâm tâm, Đại tướng vẫn nghĩ rằng đánh kiểu ấy không thắng được.

Gần đến ngày N, địch nắm được ngày giờ nổ súng của ta (do bắt được một chiến sĩ của ta). Đại tướng quyết định lùi ngày nổ súng lại 24 giờ. Lùi thế, chứ lùi nữa mà không thay đổi cách đánh thì chắc chắn sẽ lặp lại như khi đánh Nà Sản.

Đêm 26-1, ông thức trắng, suy nghĩ căng thẳng, tính toán một lần nữa, rà soát lại mọi diễn biến tình hình rồi đi đến một quyết định. Đầu nhức như búa bổ. Người bác sĩ thức cùng, nhìn gương mặt thủ trưởng, thấy những cái nhăn trán, nhíu mày liên tục biết ông đang căng óc suy nghĩ.

Thời ấy làm gì sẵn thuốc như bây giờ. Ông bác sĩ chợt nhớ, ở quê, mỗi khi nhức đầu các mẹ vẫn giắt một nắm lá ngải cứu lên đầu, dưới chiếc khăn mỏ quạ, để nó lòa xòa trước trán. Lập tức một y tá được phái đi. Đại tướng ngồi im cho bác sĩ buộc một nắm ngải cứu quanh đầu. Rồi cứ thế ông sang hầm gần đấy trao đổi với Trưởng đoàn Cố vấn nước bạn làm vị này tròn mắt ngạc nhiên.

Ông cũng đồng ý với ý kiến của Đại tướng là thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc tiến chắc. Ngay sau đó, Đại tướng triệu tập cuộc họp Đảng ủy. Các chủ nhiệm: Chính trị, hậu cần, và tham mưu trưởng đều tỏ ra băn khoăn, không phản đối nhưng cũng không ai đồng ý.

Cuộc họp dừng lại một lát”. Nguyên văn trong bài viết như thế. Đại tướng có quyền nhân danh người chỉ huy cao nhất cả quân sự lẫn chính trị ra lệnh. Nhưng không. Ông cho dừng lại, không phải là tạm nghỉ, không phải là giải lao. Dừng lại, chỉ để cho không khí giãn ra một chút, để các cộng sự cũng có thời gian suy nghĩ riêng, mà bản thân ông cũng có một khoảng lặng suy nghĩ tìm cách thuyết phục các cộng sự.

" Mọi chuyện đã tính toán hết rồi, nhưng lời dặn cuối cùng của Bác khi Đại tướng đến chào Bác trước lúc lên đường thật quý giá, thật vô cùng quan trọng. Cứ như Khổng Minh giao cẩm nang cho tướng lĩnh dặn lúc ấy, lúc ấy mới được mở. Mà đã mở ra là y như rằng thấy phép mầu nhiệm".

Ông thấy không gì tốt hơn, hay hơn là nhắc lại lời Bác Hồ dặn mình trước khi đi chiến dịch: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh. Ông hỏi từng người, không một ai dám đảm bảo sẽ thắng. Thắng 100%! Đến lúc ấy ông mới kết luận:

Để đảm bảo đánh chắc thắng, phải chuyển từ phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Hoãn tiến công, lui về địa điểm tập kết. Mệnh lệnh lui quân phải được chấp hành như mệnh lệnh chiến đấu.

35 năm sau cái ngày 26-1 không thể nào quên ấy, ông viết: Tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình (tr45, sđd).

Vì sao lại khó khăn nhất? Một, phải thuyết phục được Trưởng đoàn Cố vấn. Hai, phải thuyết phục được cả Bộ chỉ huy chiến dịch. Ba, phải vượt qua chính mình. Phải có can đảm thế nào, bản lĩnh thế nào, phải tài năng thế nào mới dám tin mình đúng, ý kiến của tất cả mọi người nghĩa là của tập thể, trước đó là không còn phù hợp nữa.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên có ngoại lệ, nhất là trong một việc hệ trọng, quan hệ đến lịch sử phát triển của cả dân tộc. Không có tính quyết đoán của một thiên tài quân sự thì không dám nhận trách nhiệm sinh tử trước quyết định ấy.

Thực tế diễn biến của địch càng làm ông chín muồi suy nghĩ ấy. Khi ông lệnh hoãn ngày nổ súng lại 24 giờ là trong ông đã khẳng định chính kiến của mình. Ngày 26-1, ông thuyết phục được cả Trưởng đoàn Cố vấn nước bạn và các cộng sự không chỉ đồng ý mà còn đồng thuận với quyết định của mình. Nếu không có sự đồng thuận ấy thì quyết định sáng suốt của ông cũng không thể trở thành hiện thực.

Bạn đọc hãy nghe cuộc trao đổi giữa Đại tướng và các tư lệnh dưới quyền để cảm nhận được sự đồng thuận ấy.

- …. Ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lùi về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.

Chính ủy pháo binh Phạm Ngọc Mậu đáp:

- Rõ, xin triệt để chấp hành mệnh lệnh!

Đại đoàn trưởng Đại đoàn chủ lực 308 Vương Thừa Vũ nhận lệnh xong cũng đáp:

- Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh!

Lịch sử hơn hai trăm năm nước Mỹ còn ghi lại câu chuyện: Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc ở nước Mỹ, vào ngày 4-7-1863, Lincoln ra lệnh cho tướng Meade không tiến hành họp Hội đồng chiến tranh mà ngay lập tức mang quân ra đánh chặn đạo quân của tướng Lee đang trong tình trạng nguy kịch, giành cơ hội ngàn vàng để kết thúc chiến tranh. Nhưng viên tướng dưới quyền không chấp hành mệnh lệnh, lại còn trì hoãn rồi điện từ chối lệnh cấp trên… Do đó chiến tranh phải kéo dài.

Dẫn chuyện này ra để chứng minh rằng, dù Đại tướng có đạt được quyết định đúng đắn sáng suốt trên với cấp dưới không chấp hành, không sáng tạo đánh địch bằng chiến thuật Đánh lấn, với các phương án tác chiến cụ thể là sáu từ: Vây, Lấn, Tấn, Phá, Triệt, Diệt, nếu cấp dưới cứ viện cớ để không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng không có chiến thắng.

Lời dặn cuối cùng của Bác khi Đại tướng đến chào Bác trước lúc lên đường thật quý giá, thật vô cùng quan trọng. Cứ như Khổng Minh giao cẩm nang cho tướng lĩnh dặn lúc ấy, lúc ấy mới được mở. Mà đã mở ra là y như rằng thấy phép màu nhiệm.

Nếu Đại tướng không được Bộ Chính trị giao chỉ huy cao nhất cả quân sự và chính trị? Nếu Đại tướng không được Bác Hồ giao quyền tự quyết định? (Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định). Nếu không có lời căn dặn: …không chắc thắng, không đánh để lúc gay go, chưa đạt được sự đồng ý, Đại tướng mới đưa ra thì làm sao đạt được quyết định khó khăn nhất ấy?

Sau này, trong lần gặp mặt nhân kỷ niệm mười năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Văn Thái đã nói: Nếu không có quyết định ấy thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ. Muốn có chiến thắng Điện Biên Phủ thì phải mất mười năm nữa.

Đồng chí Lê Trọng Tấn cũng nói, Không có quyết định ấy thì không biết chúng ta có được gặp nhau hôm nay không. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu bảo. Nghe tin kéo pháo ra, tôi thở phào nhẹ người. Đúng là được lời như cởi tấm lòng.

Còn nữa

Nguyễn Bắc Sơn

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".