Tại Hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội ngày 25/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) cho hay, nhiều người khi được giao quyền, giao chức vụ thì coi đó như là quyền riêng của mình, rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào bộ máy. Do đó, cần có cơ chế kiểm soát không để cán bộ, lãnh đạo quản lý sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân.
Lạm dụng quyền lực, đưa người nhà vào bộ máy
Đề cập đến công tác bổ nhiệm cán bộ và công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư cho hay, nhân dân vẫn lo lắng trước tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi, biểu hiện ngày càng tinh vi. Số vụ việc tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.
Đặc biệt theo ông Hùng, nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ còn thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương. Nhân dân cũng bày tỏ sự bức xúc, lo lắng trước một số vấn đề như tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số địa phương. Hiện tượng người dân vẫn phải “lót tay” để được giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và người đứng đầu các địa phương.
Theo ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, để xảy ra các vụ việc như vừa qua là do quyền lực không được kiểm soát. “Bây giờ, tại sao đưa con, đưa cháu, chắt nhà mình vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình? Nhưng thực tế có phải quyền lực của mình đâu, mà mình chỉ được giao chức vụ, giao quyền đó để thay mặt nhà nước, tổ chức thực hiện. Nhưng nhiều người coi quyền đó như là quyền riêng của mình rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào”, ông Chính chỉ rõ.
Để kiểm soát quyền lực, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư đã xây dựng nhiều quy định mới thay thế cho các quy định cũ về công tác cán bộ. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 105, trong đó phân cấp rõ ràng thẩm quyền về công tác cán bộ, đồng thời xác định luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, cơ quan quyết định thế nào. “Trước đây, do quy định không cụ thể nên khi có một việc lỗi thì không tìm ra được người chịu trách nhiệm, hoặc có thì trách nhiệm lại không rõ”, ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, quy định mới đã phân cấp mạnh về công tác cán bộ cho các đơn vị, địa phương. Ví như trước đây, Ban Tổ chức T.Ư phải xem xét 12.000 cán bộ cấp tỉnh ủy viên và hơn 2.000 cán bộ thường vụ cấp ủy. Số lượng quá nhiều nên thực tế có khi chỉ là “hợp thức hóa” chứ không thể kiểm tra, thẩm định hết. “Xấu mà viết thành tốt thì mình cũng khó biết và phát hiện ra”, ông Chính thẳng thắn thừa nhận. Trưởng Ban Tổ chức T.Ư mong muốn các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia, giám sát, kiểm soát quyền lực. “Không để cán bộ, lãnh đạo quản lý sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân”, ông Chính nói.
Cán bộ ề à, bộ máy rườm rà
Về sắp xếp tinh gọn bộ máy, ông Chính cho biết, bộ máy hiện cồng kềnh, tiêu tốn ngân sách lớn, chiếm đến 65% chi thường xuyên. “Chẳng có nước nào chi cao như chúng ta”, ông Chính nói và cho hay, trong 10 năm qua chi thường xuyên tăng lên và chi cho phát triển giảm xuống. Chi cho đầu tư giảm dẫn đến phải đi vay, dẫn đến tăng nợ công. “Chúng ta cứ bàn tăng lương mãi, nhưng không có nguồn để tăng. Nếu chúng ta không giảm chi thường xuyên xuống thì không có nguồn để cải cách tiền lương, chẳng lẽ lại đi vay để cải cách tiền lương”, ông Chính nói.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư kể, thời ông đi học, cả huyện chỉ có 1 kế toán, 1 thủ quỹ để làm toàn bộ công việc tài chính ngành giáo dục. Còn bây giờ riêng 1 trường tiểu học mà có cả kế toán trưởng và thủ quỹ. Từ câu chuyện cụ thể này, ông cho rằng bây giờ việc trả lương được thực hiện bằng thẻ, chi tiêu mua sắm bằng công nghệ điện tử rồi mà vẫn hình thành bộ máy cồng kềnh, thậm chí nhiều hơn cả thời bao cấp là không phù hợp.
“Chúng ta cứ đánh giá biến đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng, khó lường mà cán bộ cứ ề à, rề rà; bộ máy cứ rườm rà, hệ thống vận hành cứ chậm chạp thế này chỉ có hại thôi”, ông Chính nói. Lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư cũng thẳng thắn nói rằng, đổi mới tổ chức, bộ máy là công việc khó. “Cái gì mới cũng khó, cái gì mới cũng có người chống. Nhưng đổi mới mà không có người chống thì không phải đổi mới. Đổi mới bao giờ cũng khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng ta phải kiên nhẫn kiên trì, thuyết phục lẫn nhau”, ông Chính nêu rõ.
Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, dư địa để tinh giản biên chế còn rất lớn, nhất là việc sắp xếp lại bộ máy giúp việc. “Thực tế từ Ban Tổ chức T.Ư tôi thấy, mọi việc cũng đơn giản thôi. Ví như trước đây có đến 7 đồng chí phó ban, giờ chỉ có 3 phó ban nhưng cũng thấy ổn cả”, ông Chính nói. Đồng tình với phân tích trên, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc tinh giản bộ máy phải làm quyết liệt, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương. Ông Môn đề nghị Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ cần làm việc với Bộ Tài chính ngay từ đầu năm, để trừ luôn số kinh phí được giao, tương ứng với số biên chế phải giảm hàng năm. Có như thế mới tạo ra sự đột phá trong tinh giản biên chế. Từ đó tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư: Để xảy ra các vụ việc như vừa qua là do quyền lực không được kiểm soát. “Bây giờ, tại sao đưa con, đưa cháu, chắt nhà mình vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình. Nhưng thực tế có phải quyền lực của mình đâu, mà mình chỉ được giao chức vụ, giao quyền đó để thay mặt nhà nước, tổ chức thực hiện. Nhưng nhiều người coi quyền đó như là quyền riêng của mình rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào”, ông Chính chỉ rõ.