Quyền lực của kẻ chủ mưu khủng bố ở Paris

Abdelhamid Abaaoud, chủ mưu các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris tối 13/11. Ảnh: Telegraph.
Abdelhamid Abaaoud, chủ mưu các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris tối 13/11. Ảnh: Telegraph.
Abdelhamid Abaaoud sau khi gia nhập Nhà nước Hồi giáo có nhiệm vụ tuyển mộ, điều hành và lên kế hoạch để đưa những phần tử cực đoan châu Âu trở về quê nhà tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Sau một chiến dịch truy tìm quy mô kéo dài nhiều ngày, Abdelhamid Abaaoud, kẻ chủ mưu chuỗi tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris cuối tuần trước, cuối cùng cũng bị tiêu diệt trong cuộc bố ráp của cảnh sát Pháp hôm 18/11 khi y đang trốn tại một căn hộ ở St-Denis, theo Guardian.

Cảm giác nhẹ nhõm vì Abaaoud không còn có thể nhởn nhơ để thực hiện những vụ tấn công khác chưa kịp nhen nhóm thì đã bị lấn át bởi sự tức giận trước việc cơ quan chức năng không thể tìm ra y sớm hơn và ngăn chặn thảm kịch.

Việc Abaaoud dễ dàng di chuyển qua lại giữa châu Âu và Syria, thậm chí ẩn náu ngay trong lòng nước Pháp, làm bật lên những điểm yếu cũng như thách thức về an ninh mà châu Âu đang phải đối mặt. Lần theo dấu chân Abaaoud, tìm hiểu cách mà y len lỏi giữa châu Âu sẽ giúp nhà chức trách nhận ra sai lầm đã mắc phải, từ đó thu được những kinh nghiệm quý giá.

Đường đi nước bước

Abaaoud biến mất khỏi quê hương Brussels, Bỉ, vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Năm 12 tuổi, y được gửi tới một trường Công giáo nổi tiếng nhưng bỏ học một năm sau đó để rong ruổi sống trên các đường phố của quận Molenbeek. Đây cũng là nơi mà những thành tích bất hảo của Abaaoud ngày một đầy lên.

Cũng trong quãng thời gian này, Abaaoud gặp Salah Abdeslam, một trong những nghi phạm tham gia tấn công khủng bố ở Paris và đang lẩn trốn. Cả hai cùng bị tống giam vào năm 2011 sau khi thực hiện một vụ cướp. Hiện chưa rõ liệu y bị cực đoan hóa lúc ở trong tù hay từ trước đó.

Khi Abaaoud quyết định rời châu Âu để tới Syria, y dường như đã đi qua Đức. Cảnh sát liên bang hôm qua cho biết họ từng thẩm vấn Abaaoud tại sân bay Cologne-Bonn vào ngày 20/1/2014 trước khi y lên chuyến bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồ sơ phạm tội cùng những nghi ngờ liên quan đến các hành vi cực đoan của Abaaoud khiến giới chức Bỉ liệt y vào dạng những đối tượng cần lưu ý. Song, theo tờ Der Spiegel, Abaaoud chỉ thuộc danh sách những đối tượng phải theo dõi chứ không yêu cầu bắt giữ.

"Không có dấu hiệu nào dẫn chúng tôi đến việc phải ngăn cản hay bắt anh ta", một phát ngôn viên cảnh sát nói.

Chuyến đi của Abaaoud có khả năng được giám sát bởi Abu-Muhammad al-Shimali, kẻ đứng đầu ban quản lý biên giới của IS, chịu trách nhiệm thu xếp để các thành viên mới ở nước ngoài đến với tổ chức thông qua đường biên giới nằm giữa thị trấn Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ và thị trấn Jarabulus do IS kiểm soát.

Khi tới Syria, Abaaoud nhanh chóng vươn lên trong hàng ngũ IS, trở thành thủ lĩnh của một đơn vị có nhiệm vụ đưa những phần tử cực đoan châu Âu về quê nhà để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Thủ lĩnh máu lạnh

Y tự xưng là Abu Umar al-Baljiki và xây dựng cho bản thân hình ảnh của một kẻ tàn nhẫn, máu lạnh. Hồi tháng ba năm ngoái, Abaaoud tự quay và phát tán đoạn phim ghi lại cảnh y cười cợt, pha trò trong lúc dùng xe bán tải kéo lê hàng loạt xác chết trên đường.

Mehdi Nemmouche, tay súng người Pháp hồi tháng 5 năm ngoái ra tay giết hại các du khách tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels, cũng được cho là một thành viên trực thuộc đơn vị của Abaaoud.

Cơ quan chức năng tin rằng Abaaoud quay về châu Âu vào cuối năm 2014 cùng với hai tay súng khác để lập kế hoạch tấn công tại Bỉ. Người ta vẫn chưa biết chúng di chuyển như thế nào nhưng theo lời Abaaoud kể trên tạp chí tuyên truyền Dabiq của IS, đường đi nước bước tương đối lắt léo.

"Bọn ta gặp một số trở ngại suốt hành trình", Abaaoud nói. "Chúng ta phải dành hàng tháng để tìm cách vào châu Âu. Nhờ quyền năng của thánh Allah, chúng ta cuối cùng đã thành công khi đặt chân lên đất Bỉ. Chúng ta sau đó thu thập vũ khí và thiết lập một nhà trú ẩn an toàn làm nơi lên các kế hoạch chống lại lũ thập tự chinh".

Có hai giả thiết được đưa ra về cách thức Abaaoud trở về châu Âu. Giả thiết đầu tiên là y làm giả hộ chiếu, giống với phương pháp mà kẻ đánh bom tự sát ở sân vận động Stade de France đã làm. Dấu vân tay của tên này được ghi lại ở Hy Lạp. Các nhà điều tra nghi ngờ hắn sử dụng giấy tờ giả mang tên một người lính Syria đã hy sinh.

Thông thường, những kẻ muốn trở thành thành viên IS phải giao nộp hộ chiếu cho tổ chức khi vừa đến Syria. Điều này dẫn tới một khả năng khác là Abaaoud dùng hộ chiếu của một kẻ tình nguyện gia nhập IS vẫn còn sống đến từ châu Âu và có nhiều nét giống y nhất để làm giấy thông hành.

Abaaoud cùng đồng bọn từng có kế hoạch giả dạng nhân viên cảnh sát để tấn công vào đồn cảnh sát nhưng âm mưu này bại lộ vào phút chót. Hai kẻ đi cùng y bị lực lượng an ninh tiêu diệt khi đột phá vào nơi trú ẩn của chúng ở Verviers. Tuy nhiên, Abaaoud khi đó không có mặt. Y được cho là đã điều khiển đồng bọn thông qua điện thoại di động từ một nơi khác ở Athens, Hy Lạp.

Một phần tử IS khác bị bắt ở Hy Lạp sau cuộc bao vây ngôi nhà tại Verviers nhưng Abaaoud lúc này đã kịp cao chạy xa bay. Y tỏ ra huênh hoang và liên tục khoe khoang về thành tích của mình khi vượt mặt các cơ quan tình báo phương Tây để trở về Syria an toàn.

Tại đây, y có thể đã truyền lệnh cho Sid Ahmed Ghlam, một sinh viên người Algeria, kẻ bị tình nghi lên kế hoạch tấn công vào các nhà thờ ở Villejuif, Pháp, và giết hại một giáo viên dạy nhảy.

Abaaoud hồi tháng 7 bị tòa án Bỉ xử vắng mặt và tuyên án 20 năm tù với cáo buộc y là đầu mối chính tuyển mộ thành viên người châu Âu cho IS, tiêu biểu là việc y đã chiêu mộ cả em trai mình, Younes, mới 13 tuổi, gia nhập tổ chức.

Abaaoud cũng bị nghi là cố vấn cho Ayoub al-Khazaani, một tay súng cực đoan gốc Morocco. Tên này hồi tháng 8 thực hiện vụ tấn công hành khách trên chuyến tàu điện ngầm cao tốc từ Amsterdam tới Paris nhưng bị ba người Mỹ là Anthony Sadler, Spencer Stone và Alek Skarlatos ngăn chặn kịp thời khi hắn đang lên đạn.

Tên của Abaaoud nổi lên ở Paris cũng trong quãng thời gian này. Một phần tử cực đoan người Pháp được biết đến với cái tên Reda H khai với công tố viên chống khủng bố Marc Trevidic rằng hắn từng tham gia một khóa huấn luyện 6 ngày tại một căn cứ của IS gần Raqqa. Theo nhật báo Libération, Abaaoud đã đưa cho Reda H 2.000 euro, mật mã để tham gia một diễn đàn trực tuyến bí mật cùng một hướng dẫn với nội dung: "Nhắm vào một nhà hát nhằm gây ra thương vong lớn nhất có thể".

Báo  Le  Parisien dẫn lời  một tân binh IS người Pháp cho hay Abaaoud làm việc cho một đơn vị an ninh nội bộ của tổ chức, chuyên gửi các tay súng người châu Âu về quê hương để tấn công khủng bố. Đơn vị này được điều hành bởi hai người Tunisia. Abaaoud có trách nhiệm lựa chọn ứng viên. Những người này có thể được trả tới 50.000 euro để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố. Song, quyết định cuối cùng liên quan đến việc gửi ai đi thuộc về hai người Tunisia.

Tuy nhiên, rõ ràng là Abaaoud đã được điều về để giám sát vụ tấn công ở Paris. Và một lần nữa, hành trình trở về của y gần như không để lại bất kỳ dấu vết nào ngoài bản báo cáo từ một cơ quan tình báo nói rằng Abaaoud đã sử dụng điện thoại di động tại Hy Lạp trong suốt mùa hè. Nhưng, manh mối sau đó cũng dần mờ đi chỉ cho đến khi thảm kịch ở Paris xảy ra.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.