Quyền Bộ trưởng Y tế: Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đảm bảo lộ trình tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh chữa bệnh, cân đối, đảm bảo chi phí.
Quyền Bộ trưởng Y tế: Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh ảnh 1

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Chiều 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Liên quan vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề phức tạp của ngành y tế, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Vì vậy, lần sửa đổi này là cơ hội lớn để tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn khi dự thảo chỉ quy định "tính đủ" thì sẽ không đảm bảo được về việc "tính đúng". Do đó, cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ" giá dịch vụ y tế.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế. Trong đó, hình thức đầu tiên là cho vay. Chúng ta khuyến khích điều này để các bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế cho vay.

“Chúng ta đầu tư bằng nguồn tiền vay đó và bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như trách nhiệm cả một doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Hình thức thứ hai theo ông Hiếu là thuê hai chiều, trong đó, chiều thứ nhất bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư, tư nhân như các máy móc đắt tiền, không đủ điều kiện mua; bệnh viện chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả.

Còn chiều thứ hai là tư nhân thuê của bệnh viện công. Chiều này rất khó nhưng trong dự án Luật nên đặt ra hướng để các luật khác hỗ trợ trở thành hiện thực.

"Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin của người dân, chất xám các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học và vận hành do tư nhân thực hiện", ĐBQH nêu.

Hình thức thứ ba, theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu là hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Theo ông, đây là hướng trên thế giới đã triển khai rất lâu, thành công. Theo phương án này, các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện rồi cho bệnh viện công vận hành.

"Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước phục vụ người bệnh, để tiếng thơm cho các quỹ, cá nhân đó", đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng Y tế: Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh ảnh 2

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là dự án Luật rất quan trọng. Thời gian qua, ngành y gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách. Để hiện thực hóa những mong muốn của các đại biểu, của cử tri và Nhân dân, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ý kiến góp ý của các đại biểu…

Về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu tại điểm này mà chúng ta đưa ra được các định hướng về giá thì rất phù hợp, kết hợp với Luật Giá sẽ tạo nên hành lang pháp lý hết sức phù hợp. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đảm bảo lộ trình tính đúng tính đủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh chữa bệnh, cân đối, đảm bảo chi phí. Tuy nhiên cũng có nhiều áp lực đối với các bệnh viện trong việc tự chủ của mình.

“Bộ sẽ tiếp tục có các chỉ đạo và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo Luật sau khi ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại hạn chế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc tốt nhất sức khỏe của người dân”, bà Lan cho hay.

MỚI - NÓNG