Số ca mắc và chuyển nặng do COVID-19 gia tăng
“Trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Ngoài COVID-19, bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế ghi nhận hơn 9 triệu ca COVID-19 mới và đang xu hướng tăng trở lại do xuất hiện các biến chủng phụ mới của Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn những biến chủng trước, mới nhất là chủng BA.2.12.1, BA.2.75. Trong 3 tuần gần đây, số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại. TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết đang bùng phát trên diện rộng, với 136.075 ca, 45 trường hợp tử vong trên cả nước. So với cùng kì 2021, số ca bệnh tăng 3,2 lần, số tử vong tăng 31 trường hợp.
Ngoài ra, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhận định về tình hình dịch, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5, chủng Omicron của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Do đó trong thời gian số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Theo quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch. Quyền Bộ trưởng cho rằng giải pháp phòng chống COVID-19 là theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”, với các trụ cột gồm cách li, xét nghiệm, điều trị.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin
Bà Lan đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin COVID-19, nhất là tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không để vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết tỉ lệ tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu, còn tiêm liều cơ bản cho trẻ 5-11 tuổi chậm.
Nguyên nhân dẫn đến tốc độ tiêm chủng chậm là hiện nay hoạt động sản xuất, làm việc trở lại bình thường, việc tổ chức tiêm chủng trong thời gian làm việc gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiều cha mẹ không đồng ý cho con tiêm nhắc lại do lo ngại ảnh hưởng lâu dài của vắc xin đến sức khỏe của trẻ...
“Nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Ngay như Ấn Độ đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch, ngăn dịch xâm nhập vào trong nước. Chúng ta phải có các biện pháp để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu với bệnh đậu mùa khỉ”, quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói. Phát biểu tại hội nghị, bà Lan đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các Vụ/Cục trực thuộc Bộ phối hợp với các địa phương có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát, giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, cần làm gì để địa phương dễ dàng triển khai được ngay.