Quyền Bộ trưởng nhận định ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đến khác như đô thị hóa, di dân… là nguyên nhân của sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới hay sự tiến hóa, biến chủng của các virus gây bệnh dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Tư lệnh ngành Y tế cho hay: “Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị trực tuyến sáng 2/8. |
Nhận định về tình hình dịch COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm cho hay trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5, chủng Omicron của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia.
Do đó trong thời gian số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tại Việt Nam, 7 tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Từ cuối tháng 3, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước.
Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Quyền Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân; công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vắc xin chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Đã có 45 ca sốt xuất huyết tử vong
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong. “So với cùng kỳ 2021 (42.587/14) số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên", TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh và ước tính có khoảng 100-400 triệu ca mắc mỗi năm; trong 50 năm qua, số mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên toàn quốc; cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết; triển khai giám sát, điều tra dịch và tổ chức xử lý kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực nguy cơ; chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị; đảm bảo thuốc, cơ số phòng chống dịch; thực hiện phân loại, phân tuyến điều trị tránh quá tải và hạn chế tử vong; tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác điều trị.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng chống sốt xuất huyết của Chính phủ và Bộ Y tế. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để phối hợp tuyên truyền; tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy.
Với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi (như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân) phải chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng, chống dịch và chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Với các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác cần chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, đề xuất các biện pháp giảm mắc phù hợp; chủ động ban hành các chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.