Quy tắc linh thiêng ở Đền Chóa (Bắc Ninh)

TPO - Ngôi đền nằm ở làng Chân Lạc (tức làng Kẻ Chóa), xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đền Chóa được nhiều người biết đến với truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Bà chúa Dâu tằm cùng nghi lễ cầu đảo (cầu mưa) nổi tiếng cách đây hàng nghìn năm.

Có một ngôi đền cầu đảo ở xứ "trăm nghề"

Đền Chóa được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), thờ 3 vị thủy thần là Thủy tộc long quân, Hoàng Hà long khiết phu nhân và Tam Giang công chúa. Ngôi đền nằm trong khu quần thể di tích cổ kính của làng Kẻ Chóa bên cạnh đình, chùa, miếu.

Đền Chóa được nhiều người biết đến với truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Bà chúa Dâu tằm cùng nghi lễ cầu đảo (cầu mưa) nổi tiếng cách đây hàng nghìn năm.

Từ khi thành lập đến nay, ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính thuở ban đầu. Đền Chóa có nhiều tòa nhà khác nhau: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, cộng với hai dãy nhà Hữu vu, Tả vu, mỗi tòa có ba gian hai chái với kiến trúc cổ mái ngói đao cong nằm trên trục chính giữa theo kiểu chữ 三 Tam.

Quy tắc linh thiêng ở Đền Chóa (Bắc Ninh) ảnh 1

Mặt Hạ điện đền chóa hướng ra hồ nước trước kia là một nhánh của con sông Cầu. Ảnh: Lâm Thùy Dương.

Tương truyền từ thời xa xưa, Công chúa con vua Thủy tề (Long Vương) hàng năm dịp đầu xuân vẫn hay du ngoạn dọc theo sông Cầu đề thưởng cảnh xuân.

Khi đến vùng đất này thấy những cánh đồng tươi tốt, đất đai màu mỡ nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh lam lũ cực nhọc nên Bà đã dừng lại và truyền dạy cho dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, đoàn kết để chống thú dữ, làm nhà để ở, đóng thuyền để đi lại và bắt cá trên sông.

Sau nhiều năm sống và truyền nghề cho dân làng, đến ngày trở về Bà đã Hóa tại vị trí đền Chóa bây giờ. Để tưởng nhớ công ơn của Bà, dân làng đã lập đền thờ phụng hương khói quanh năm, lấy uy đức của Bà làm mẫu để duy trì nếp sống, phong tục, tập quán và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Sau này trải qua nhiều triều đại đã sắc phong và tôn vinh bà là Thánh mẫu nương thần hay Bà chúa dâu tằm (theo tên người dân thường gọi).

Vào những năm hạn hán, dân làng Kẻ Chóa thường tổ chức lễ cầu đảo (cầu mưa) tại đền. Nghi thức tế lễ Thần được tiến hành trong ba ngày liền, không mưa lại kéo dài thêm 3 ngày tiếp theo. Nếu trời vẫn không mưa thì dân làng tổ chức "Tắm kiệu": Rước kiệu Thần từ đền Chóa bằng thuyền vượt sông Cầu sang đền Vường sát bờ sông (thuộc xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) để tế lễ Thần ở đây.

Sau tế lễ tại đền Vường mà trời vẫn không mưa, dân làng lại tổ chức "Rước bơi". Sau ba ngày "Rước bơi" mà trời vẫn không mưa thì nhân dân ở đây tổ chức "Rước huyện", đồng loạt làng ven sông Cầu như Xà, Chóa... rước kiệu Thần xuống đền Đông Yên (xã Đông Phong) để tổ chức lễ cầu đảo.

Những quy tắc bất di bất dịch nơi đền thiêng

Tìm đến đền Chóa và trò chuyện cùng hai ông đang thực hiện nhiệm vụ trông coi đền, ông Vũ Bá Huấn - ông đám tại đền Chóa cho biết: "Theo tục lệ truyền lại, hàng năm dân làng sẽ cử ra hai người đàn ông tuổi từ 55-65 tuổi để làm nhiệm vụ trông coi đền và hầu Ngài. Cứ gần hết một nhiệm kỳ người dân làng lại rục rịch tìm ông đám cho nhiệm kỳ sau, thường là vào tháng 8 hàng năm người dân đã tìm ông đám cho năm sau rồi".

Yêu cầu để trở thành một ông đám vào "hầu Ngài" ngoài có sức khỏe tốt còn phải có đạo đức tốt, gia đình êm ấm, hòa thuận, có lối sống chuẩn mực, không điều tiếng, nhất là gia đình không có tang ma. Hai người được chọn gọi là ông đám nhất và ông đám nhì sẽ thay mặt dân làng "hầu Ngài" trong vòng một năm.

Quy tắc linh thiêng ở Đền Chóa (Bắc Ninh) ảnh 2

Nơi hai ông đám ở để "hầu Ngài" trong vòng một năm nằm sát lối cổng vào đền. Ảnh: Lâm Thùy Dương.

Trong thời gian "hầu Ngài" hai ông đám sẽ chuyển ra đền ở luôn đến hết một năm dù gia đình có việc hiếu, hỉ cũng không được về. Bởi người dân tâm niệm rằng một khi đã ra "hầu Ngài" thì chỉ toàn tâm, toàn ý với Ngài, phải ở đền, không được đi đâu.

Theo lời ông Huấn, mỗi ngày đều đặn 3 lần dâng hương ở 3 điện và miếu. "Bất kể nắng, mưa, gió, rét, ngày nào chúng tôi cũng dậy từ 3-4h sáng để lau chùi, quét dọn để trong và ngoài điện đều sạch sẽ sau đó dâng hương. Đến lúc mặt trời lên là công việc phải hoàn tất để người dân và du khách thập phương có đến còn hướng dẫn thăm và sắp lễ giúp".

Đặc biệt những kiêng khem bắt buộc đối với hai ông đám trong thời gian "hầu Ngài" cũng được quy định rất kỹ và buộc phải tuân theo như một nguyên tắc bất di bất dịch. Dù đông hay hè, các ông đám đều phải tắm bằng nước gừng tươi ít nhất một lần, không được ăn hành tỏi, thịt chó trong suốt thời gian trông coi đền, sau khi đi vệ sinh cần phải rửa tay bằng nước gừng tươi để đảm bảo sự sạch sẽ, tinh khiết khi "hầu Ngài".

Đền Chóa có ba tòa nhà gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Đối với du khách và người dân đến thăm đền chỉ được vào Hạ điện, hoặc cùng lắm là "xin Ngài" để được vào Trung điện còn Thượng điện tuyệt đối không được bước chân tới. Chỉ có hai ông đám được dân bầu ra mới được phép vào Thượng điện. Chính vì lẽ đó mà trong Thượng điện của đền Chóa có những gì, thờ ai thì người dân trong làng cũng như du khách không ai có thể biết được.

Khi được hỏi về việc trong điện thờ ai ông Vũ Bá Huấn trả lời: "Việc trong đền thờ ai thì chúng tôi biết nhưng chúng tôi không được nói ra. Chỉ khi hết nhiệm kỳ, hai ông đám trước sẽ kể lại cho hai ông đám sau. Đấy là điều bí mật mà những ông đám như chúng tôi sống để bụng, chết mang theo chứ nhất quyết không được truyền ra ngoài kể cả với con cháu ruột thịt".

"Đây là ngôi đền thiêng được nhiều người tìm đến cầu tài, cầu lễ, cầu bình an, may mắn. Khoảng mùng 4 đến mùng 6 Tết âm lịch tại đền Chóa sẽ tổ chức lễ hội lớn nhất trong năm, khách thập phương đến đây rất đông, chúng tôi trông không xuể phải gọi người nhà ra hỗ trợ. Chúng tôi ở đây khi nào có khách đến nếu có nguyện vọng làm lễ thì chúng tôi làm bất kể sáng, trưa, chiều, tối. Nhiều người đến cầu sau khi về đạt được nguyện vọng họ sẽ quay lại đáp lễ".

Một điều đặc biệt khi đến với đền Chóa chính là ngôi miếu Hạ Mã (hay còn gọi là miếu Bà Cô) cổ nằm lọt thỏm trong bộ rễ của một cây sanh cổ thụ. Theo người dân ở gần đây, ngôi miếu này rất thiêng, ai đi qua mà biết cũng đều xuống xe ngả mũ cúi chào như để thể hiện lòng thành kính đối với các Ngài.

Quy tắc linh thiêng ở Đền Chóa (Bắc Ninh) ảnh 3

Miếu Hạ Mã nằm lọt thỏm trong gốc sanh cổ thụ, ngày lối vào cổng đình, đền Chóa. Ảnh: Lâm Thùy Dương.

Tin liên quan