Quý ông, một tinh hoa thấp thoáng

TP - Cách đây cũng đã lâu rồi, có lẽ xa tới bảy tám chục năm, ở các đô thị lớn của người Việt, nhất là ở Hà Nội hay Sài Gòn, danh xưng “quý ông” rất hay được dùng trong khẩu ngữ sinh hoạt của những thị dân trung lưu đang manh nha dư dật. Những người này là đặc sản của sự giao thời “gió Âu mưa Á”, thấm đẫm văn hóa phương Ðông nhưng khá ung dung phóng khoáng khi tiếp nhận những tinh hoa của văn minh phương Tây. 

Ở sâu xa bọn họ đã thấp thoáng thấy một kiểu thượng lưu thuần Việt mà những người làm sử thích gọi là tư sản dân tộc. Chữ “quý ông” ở thời ấy, hình như mang nặng xuất xứ từ người Tây, vốn để chỉ những trung niên ưu tú, là mẫu hình tiêu biểu cho giai cấp quý tộc. Bọn họ tinh tế từng trải lọc lõi, thỉnh thoảng ở ngôi vị tôn quý. 

Do uyên bác bẩm sinh cùng với sự tao nhã tự nhiên biết yêu cái đẹp, họ khoan dung điềm đạm chẳng bao giờ lố bịch. Nếu thế thì xa xưa ở ta, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã là một quý ông như vậy. Trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên-Mông, ông là một danh tướng em ruột vua. Còn trong đời thường, ông khét tiếng là tay chơi cao nhã. Tương truyền, ông là người nghĩ ra nhiều vũ điệu cổ làm nền tảng cho các loại hình diễn xướng của người Việt sau này.

Quý ông, một tinh hoa thấp thoáng ảnh 1

Minh họa: Lê Thiết Cương.

Tất nhiên, trong những quý ông ấy cũng có người đột khởi từ hèn kém, nhưng nhờ một trải nghiệm luôn hướng tới sự cao cả, rồi nhờ tài năng nhất định và một nhân cách vượt thoát tầm thường nên họ vẫn giữ được chỗ riêng độc đáo trong xã hội thượng lưu vốn ngập đầy soi mói. Họ không khác lắm với những quý ông hào hoa lịch lãm khác, có xuất xứ từ nhiều đời thế gia vọng tộc. Vì thế, tất thảy bọn họ đều cư xử đàng hoàng tử tế, quen thói sinh hoạt cầu kỳ phóng khoáng xa xỉ, nên dù gia cảnh có sa sút, sự nghiệp hoặc thăng hoặc trầm, thì họ vẫn luôn giữ được một phong độ quyền quý sang trọng kiểu cách “con nhà”. Ðại loại có ăn rau muống luộc thì khi bầy ra đĩa sứ cũng phải xếp đầu ra đầu, đuôi ra đuôi. 

Họ góp phần không nhỏ tạo ra những phẩm chất mà bây giờ chúng ta đang loay hoay đi tìm, ví như khái niệm “người Hà Nội” chẳng hạn. Ðó là sự tinh tế tài hoa cầu kỳ kiêu bạc, là sự thẩm thực thẩm âm thẩm văn thượng thặng, nhưng cực kỳ “tự nhiên nhi nhiên”. Ðã là “quý ông” ở phố thì không bao giờ phải cố. Họ vô tư trong sáng ái quốc, nồng nàn hồn nhiên ngay cả khi phải khắc nghiệt lao động và chiến đấu. Có thể thấy rất rõ những điều đó trong thế hệ chiến binh đầu tiên của trung đoàn Thủ Ðô khét tiếng mà nòng cốt là những học sinh tiểu tư sản, những “công tử” những “tiểu thư” phố “Hàng…” hay những công chức trẻ. Thật dễ hiểu khi ngã xuống thành liệt sĩ, hình tượng của họ luôn thăng hoa cảm động trong văn, trong nhạc, trong họa của lớp thị dân kế tiếp.

Rồi thật đáng tiếc, do xô đẩy của những khách quan lịch sử, các thập kỷ tao loạn tiếp theo ở ta đã làm phôi pha mất dần những cái gọi là “quý ông”. Bây giờ mà ở một diễn đàn đông người nào đó, một diễn giả nhỡ đứng lên mở đầu bài “đít cua” bằng mẫu câu xã giao cổ điển “Ladies and Gentlemen” thì đám người nghe ở dưới bỗng vừa như lúng túng hốt hoảng vừa như xấu hổ bật cười. Quý ông đã tuyệt hiếm thì đào đâu ra quý bà. Bởi hình như quý ông phải là người sang chứ không hẳn chỉ là người có tiền. Có lẽ vì thế nên những người mẹ hay người vợ thị thành biết sắc sảo buôn bán thường khuyên con hoặc chồng, làm thế nào để đổi ba bát gạo hẩm thành một bát gạo tám thơm. Chỉ cắm cúi gom góp cho thật nhiều tiền nhiều của thì cuối cùng vẫn là giàu “gạo hẩm”, một thứ trọc phú còn xa mới đạt đến tầm sang trọng.

Nước Việt sau thời kỳ đổi mới, may mắn thay đã có quá nhiều người giàu. Vậy mà đã tròn ba chục năm rồi, số kẻ sang vẫn vô cùng hiếm. Ðiều này không quá ngạc nhiên, bởi cái công án “trưởng giả học làm sang” muôn đời vẫn là bi hài kịch cho mọi xã hội đang phát triển ở cả Ðông và Tây. Trong các tác phẩm mang chủ đề này, kịch tác gia vĩ đại người Pháp là Molière đã chỉ ra vô vàn những vất vả của đám người đã có thừa tiền bỗng một hôm rùng mình muốn trở lên sang trọng. Ðể “sang hóa” thành quý ông quý bà, những người trót có tiền bắt buộc phải biết tự tạo ra một “gu” thẩm mỹ. 

Mà để “thẩm” được cái đẹp thì không gì lợi hại bằng văn chương nghệ thuật hoặc bằng những thú chơi thể thao hay giải trí cao nhã. Làm sao có thể thành nổi tinh hoa nếu suốt ngày chúi mặt vào màn hình rồi đợi tối đi xem các danh ca showbiz hò hát. Chính vì thế nên Molière đã tạo ra cả đống cơ hội cho các nhân vật trọc phú của mình. Nào là đi học đấu kiếm, nào là học đọc sách kinh điển rồi tới  ngắm bảo tàng hay xem những vở nhạc kịch (opera) đỉnh cao. Nhưng sau một thời gian đầy cố gắng nỗ lực, trưởng giả vẫn loay hoay là trưởng giả.

Hình như sang trọng là điều khó học, cho dù tất cả những người dư dật đều chân thành khát khao muốn có nó. Bởi có lẽ, sang trọng không phải là “mốt” để đám đông a dua đua đòi. Nó là sự tích lũy từng trải văn hóa của mỗi độc đáo cá thể theo cách thuần thành trong trắng tự nhiên nhất. “Quý ông” rất khó xuất hiện lúc người Hà Nội ùn ùn huênh hoang theo nhau vào xem kiệt tác “Hồ Thiên Nga” chỉ diễn một đêm duy nhất. 

Thậm chí “quý ông” còn giẫy đành đạch chết khi một nhóm người mang vẻ tinh hoa, ca sĩ này nhạc sĩ kia giáo sư nọ, cao đạo đứng lại tiền sảnh sau buổi diễn nhã nhặn nhỏ nhẹ nói chuyện nhưng cố để người xung quanh nghe rõ mồn một “Ồ, vở diễn cũng được đấy, có điều còn thua xa cái lần tôi xem ở Nga”. Từ điển tiếng Việt cho rằng, “sang” có hai nghĩa. Một là “có tiền tài và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng”. Hai là “có giá trị cao và đắt tiền, trông lịch sự”. Hỡi ôi từ điển, nếu sự “sang” chỉ đơn giản như vậy thì ở ta đang ngập đầy những quý ông quý bà “mồm có gang có thép”. Thảo nào mà ở giới showbiz cũng như giới thương gia Việt, có quá nhiều gã tỏ vẻ hào hoa đồng phục diện bộ smoking, nửa kín nửa hở tự tin rằng, mình chính là tinh hoa sang trọng Việt.

Quý ông là một loài quý hiếm, hao hao giống như gấu trúc, không thể  nuôi chuồng được cũng như sinh sản nhân bản được. Ở ta ngày nay chỉ thấy còn chép trong sách đỏ. Việt Nam đã từng có quý ông, đã từng có quý tộc, nhưng khoảng mấy chục năm nay nó đã mất. Theo Dịch lý, muốn có lại nó thì tối thiểu cũng phải mất một thời gian như thế.

Ðại loại, tốn kém khoảng vài ba thế hệ.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.