Quy hoạch tổng thể quốc gia, vấn đề khó mới, tài liệu hàng nghìn trang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, không phải nội dung nào cũng đưa vào quy hoạch và nội dung quy hoạch tổng thể cũng không thể quá chi tiết.
Quy hoạch tổng thể quốc gia, vấn đề khó mới, tài liệu hàng nghìn trang ảnh 1

Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Ảnh minh hoạ)

Thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Ngày 16/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đây là nội dung khó và mới, thời gian thực hiện gấp rút, khối lượng tài liệu lớn lên đến hàng nghìn trang. Chính vì thế, Ủy ban Kinh tế đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, ngay từ khi chưa có hồ sơ chính thức.

Trong giám sát tối cao của Quốc hội về quy hoạch, Quốc hội xác định Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Trong năm 2022 có thể không hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch nhưng cần phải ưu tiên hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia để cụ thể hóa thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030, định hướng, dẫn dắt cho các quy hoạch khác.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia gồm quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển; mục tiêu phát triển; tầm nhìn đến 2050; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch…

Trong đó, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Trước tiên là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số…

Hai là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Ba là, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Trên cơ sở đó, lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Cuối cùng là hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Xem xét các vấn đề đã đủ chín, đủ rõ

Từ những vấn đề đặt ra, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia rất cần thiết. Tuy nhiên cần tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề như về phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ trong tổng thể hệ thống các quy hoạch, tính cụ thể của một số nội dung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, thời gian theo kế hoạch không còn nhiều, cần tập trung làm rõ các nội dung, xem xét các vấn đề đã đủ chín, đủ rõ, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh cần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, thể hiện rõ ràng, đầy đủ các nội dung cơ bản của quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không phải nội dung nào cũng đưa vào quy hoạch và nội dung quy hoạch tổng thể cũng không thể quá chi tiết. Luật Quy hoạch chính là điểm tì pháp lý vững chắc nhất để xác định nội dung nào thể hiện trong Quy hoạch để từ đó có cơ sở để giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng cần phải tổ chức hội thảo quốc gia về nội dung này nhằm huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu tiếp thu kỹ lưỡng các nội dung.

Theo dự kiến, nếu đủ điều kiện, nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 18 (vào ngày 21/12) và trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

MỚI - NÓNG