GS.TS Hà Văn Khôi, Đại học Thủy lợi cho biết, kể từ năm 2004 đến nay, mực nước hạ du sông Hồng ở Hà Nội năm sau luôn thấp hơn năm trước. Trong đó, năm 2010, mực nước sông Hồng chỉ đạt 0,1 m. Mực nước thấp tạo điều kiện cho người dân khắp nơi tới xây dựng, định cư tại các bãi sông, đặc biệt tại các địa bàn Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) nơi rất gần với trung tâm Thủ đô.
Theo lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng, những hộ dân xây nhà tạm, lán ở ngoài hành lang thoát lũ nhiều không đếm nổi. Trong đó có những hộ dân đã ở đây từ những năm 1970, việc giải tỏa, đền bù gặp nhiều khó khăn. Còn những hộ được phép xây ngoài đê cũng chỉ giới hạn chiều cao từ 4 tầng trở xuống. Tại phường Chương Dương, đại diện phường thông tin, dù không có sổ đỏ, không được cấp phép nhưng nhiều hộ dân vẫn “xây chui”. Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân đã ổn định cuộc sống tại đây, nhiều nhà xây đến 3 - 4 tầng. Theo quy định, tất cả những hộ ở đây đều nằm trong diện giải tỏa (theo chỉ giới tính từ sông lùi vào 30m).
Quy hoạch phòng chống lũ quá an toàn?
Theo Quy hoạch vừa được phê duyệt, sẽ có 2.032 hộ dân trên các khu vực có lòng sông co hẹp, phải từng bước di dời là: Thạch Đồng (Phú Thọ), Võng La - Hải Bối, Đông Ngạc - Nhật Tảo, Bắc Cầu, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Bồ Đề, Bát Tràng. Trong đó, khu vực Hà Nội cần di dời 1.900 hộ dân. Ngoài những khu vực trên, có những khu vực rất nhộn nhịp, có điều kiện kinh tế xã hội phát triển như: Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)… cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Các khu vực còn lại kiến nghị cho phép tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.
Quy hoạch cũng cho phép sử dụng 2 bãi sông thuộc khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội) để xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, với diện tích xây dựng mới không vượt quá 15% diện tích bãi sông (bãi Tàm Xá - Xuân Canh và Long Biên -
Cự Khối).
Liên quan đến quy hoạch, nhiều chuyên gia, địa phương cho rằng quá an toàn trong tình hình đất chật người đông, gây ra sự lãng phí khi có nhiều bãi ven sông bị bỏ hoang, không được sử dụng. Trong khi đó chúng ta đã trị thủy thành công được sông Hồng, sông Thái Bình cũng như các sông liên quan, bảo đảm chống lũ được cho Hà Nội; đảm bảo được giao thông đường thủy, chống lũ được vào mùa mưa, điều tiết được nước tưới tiêu vào mùa khô hạn.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, thực tế, Quy hoạch đã đưa ra những nội dung tiến bộ, đặc biệt đối với khu vực dân cư ngoài bãi. Đơn cử như khu vực nằm ngoài bãi trước đây không được phép xây dựng, cải tạo, nay quy hoạch đã rà soát, tính toán và có đề xuất những khu dân cư hiện hữu cơ bản được phép tồn tại. Tuy nhiên, một số khu vực có nguy cơ mất an toàn đê điều hoặc ảnh hưởng đến dòng chảy, vi phạm pháp luật thì buộc phải giải tỏa. “Để quy hoạch đi vào thực tiễn, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đưa ra những phương án tối ưu nhất”, ông Sơn nói.
Tổng kinh phí thực hiện quy hoạch này ước tính khoảng 112.668 tỷ đồng, lấy từ ngân sách, huy động nguồn vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa…