Di dời, giãn dân phố cổ: Không được nhập hộ khẩu trở lại

Khu vực chứa nước ăn tại nhà 47 Hàng Bạc. Ảnh: Minh Tuấn
Khu vực chứa nước ăn tại nhà 47 Hàng Bạc. Ảnh: Minh Tuấn
TP - UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, những trường hợp phải di dời đến nhà ở mới dành cho dự án giãn dân tại đô thị Việt Hưng sẽ không được nhập hộ khẩu trở lại. Trong thời điểm giải phóng mặt bằng, sẽ không chấp thuận tách hoặc nhập hộ khẩu…

Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, mật độ dân số sau khi thực hiện giãn dân sẽ đáp ứng chỉ tiêu quy hoạch khống chế là 500 người/ha. Theo Luật Cư trú, người dân có quyền về nơi ở. Tuy nhiên, với khu vực phố cổ, phải có điều kiện kèm theo và chỉ tiêu quan trọng nhất khống chế đó là điều kiện về nhà ở. Các trường hợp sau khi di dời mà quay trở lại sẽ bị xử lý hành chính và không được chấp nhận nhập hộ khẩu. Tức là người dân không có quyền nhập hộ khẩu vào khu vực phố cổ. 

“Tôi ví dụ như trường hợp người con có chung hộ khẩu với bố mẹ mình, nhưng sau khi người con chấp thuận di dời sang nơi ở mới theo quy định thì người con vẫn không có quyền nhập khẩu trở lại vào hộ khẩu của bố mình. Tuy nhiên, ngay trước khi chuyển sang nhà Việt Hưng, chúng tôi sẽ làm thủ tục cắt khẩu cho người con. Quy định này không mâu thuẫn với quyền cư trú của người dân”, ông Hùng nói.


Khi mật độ đã được khống chế là 500 người/ha, những giao dịch mua bán nhà chừng vài mét vuông sẽ không được chấp thuận, không được chuyển nhượng. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trong thời điểm triển khai giải phóng mặt bằng, việc nhập và tách hộ khẩu sẽ không được xem xét để tránh những trường hợp lợi dụng, làm khó cho chủ trương chung. Những trường hợp mua lại diện tích cần phải di dời trong đình chùa, di tích, trường học, trụ sở sẽ không được chấp thuận, không được đền bù sau này khi Nhà nước thu hồi. Những căn nhà không thuộc đối tượng giãn dân vẫn được mua bán, chuyển nhượng bình thường. “Chúng ta vẫn phải chấp nhận tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vì với những căn nhà có đầy đủ điều kiện thì giao dịch mua bán bình thường”, ông Hùng nói.

Băn khoăn về việc kiểm soát dân số sau khi thực hiện dự án giãn dân phố cổ là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Đề án giãn dân chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi giải quyết tốt vấn đề này. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng, một yêu cầu đặt ra đồng thời với việc giãn dân là phải kiểm soát chặt chẽ mật độ dân số khu phố cổ theo các tiêu chuẩn khống chế. Hà Nội đã có Luật Thủ đô để tạo cơ chế đặc thù, nên cần quy định rõ điều kiện nhập hộ khẩu vào phố cổ để vừa phù hợp Luật Cư trú, vừa phù hợp thực tiễn quản lý. “Một số quy định hiện nay đã có nhằm kiểm soát dân số nội đô lịch sử, nhưng lo ngại về khả năng thực thi của các cơ quan”, ông Nghiêm nói. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG