Quy hoạch giao thông tĩnh triển khai chưa đạt 15%

Quy hoạch giao thông tĩnh triển khai chưa đạt 15%
TP - Theo kết quả thống kê của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2015, diện tích dành cho giao thông tĩnh toàn thành phố chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 37,88ha, tương đương 0,12 % diện tích đất ở đô thị. Trong khi đó, quy hoạch năm 2003 đưa ra chỉ tiêu phấn đấu thấp nhất là 2 % đất ở đô thị, cao nhất là 5% đối với các khu vực phát triển mới. 

Với diện tích dành cho giao thông tĩnh chỉ 0,12%, hiện chỉ đủ đáp ứng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của người dân Thủ đô, 90% nhu cầu còn lại người dân phải tự tìm chỗ đỗ xe. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết: “Thời gian qua có rất nhiều cơ quan chức năng được thành phố Hà Nội chỉ đạo vào cuộc tìm nguyên nhân gây ùn tắc, quá tải giao thông ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Tuy nhiên, căn cứ vào con số thống kê vừa được cơ quan chức năng đưa ra, việc không thực hiện đúng quy hoạch mới là tác nhân dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông. Diện tích giao thông tĩnh chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90 % phương tiện còn lại sẽ phải để ở bất kỳ chỗ nào trống nên việc xảy ra ùn tắc là đương nhiên…”.

Trong khi đó, có rất nhiều chung cư cao tầng, trung tâm thương mại lại được mọc đúng trên vị trí đất quy hoạch bãi đỗ xe ở các quận nội đô được “khoanh vùng” từ những năm 2000 khiến dư luận bức xúc. Nhiều quận nội thành có mật độ dân cư cao, có nhu cầu gửi phương tiện cao nhưng quy hoạch thực hiện chỉ đạt dưới 10% như: Đống Đa đạt 4,23%; Thanh Xuân 8,1%; Quận Tây Hồ đạt 0,69%. Như vậy, tính đến hết năm 2015, kết quả thực hiện Quy hoạch giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt 14,76% chỉ tiêu đề ra.

Trước việc quy hoạch giao thông tĩnh năm 2003 bị phá sản sau nhiều lần điều chỉnh, đầu năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị chức năng rà soát quy hoạch cũ, lập Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe đến năm 2030 - tầm nhìn 2050.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, bản quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh 2030 - tầm nhìn 2050, có rất nhiều điểm nổi bật có thể giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng giao thông đang diễn ra nghiêm trọng những năm gần đây, có khả năng kết nối với hệ thống giao thông công cộng đưa vào khai thác trước năm 2020.

Cụ thể, từ khu vực vành đai 2 trở vào (4 quận nội thành) không còn nhiều quỹ đất, sẽ được ưu tiên quy hoạch phát triển bãi để xe cao tầng. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội tập trung xây dựng các bãi đỗ xe quy mô lớn, hiện đại nằm ở những vị trí thuận lợi dễ dàng đấu nối với hệ thống giao thông công cộng được đưa vào vận hành những năm tới như tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã; Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng phân tích, những điểm đỗ xe vệ tinh sẽ có nhiệm vụ trông giữ phương tiện cá nhân cho người dân sinh sống tại các quận, huyện ngoại thành yên tâm cất giữ phương tiện, trước khi trung chuyển bằng các phương tiện công cộng vào nội thành làm việc, giúp hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, phù hợp với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ở khu vực nội thành của thành phố.

MỚI - NÓNG