Quy hoạch 'đắp chiếu' làm khổ hàng vạn dân: Không phù hợp cần xóa bỏ

Hạ tầng khu đất phía Nam Đại Cồ Việt đã xuống cấp nghiêm trọng do không được cải tạo vì vướng quy hoạch.
Hạ tầng khu đất phía Nam Đại Cồ Việt đã xuống cấp nghiêm trọng do không được cải tạo vì vướng quy hoạch.
TP - Tiền Phong số ra ngày 16/11 đã đăng bài “Quy hoạch đắp chiếu làm khổ hàng vạn dân”phản ánh tình trạng hàng loạt quy hoạch ở khu vực nội thành Hà Nội  bị “treo” vô thời hạn tác động lớn đến cuộc sống của người dân. Trao đổi với PV Tiền Phong, các chuyên gia nhận định, nhiều quy hoạch chỉ lập trên giấy cho đẹp, quy hoạch công bố không căn cứ trên năng lực triển khai, không có lộ trình thực hiện rõ ràng...

Cần làm rõ năng lực triển khai quy hoạch

Phân tích vấn đề, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Hà Nội có nhiều quy hoạch “treo” dài hạn là do quy hoạch chỉ được vẽ cho đẹp trên giấy, không căn cứ năng lực thực hiện, dẫn đến quy hoạch không được triển khai đúng tiến độ, hoặc khi triển khai thì quy hoạch đã lạc hậu.

“Ở các nước, khi lập quy hoạch bao giờ họ cũng phải căn cứ vào năng lực thực hiện, từ đó đưa ra được chu kỳ triển khai rõ ràng trong vòng 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm. Tuy nhiên, ở Hà Nội việc lập quy hoạch lại không được dựa trên năng lực triển khai mà chỉ vẽ sao cho thật đẹp, và đây là điểm yếu nhất của quy hoạch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nếu chúng ta xây dựng quy hoạch dựa trên những phân tích kỹ lưỡng về năng lực thực hiện theo chu kỳ quy hoạch rõ ràng, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng quy hoạch công bố 10 - 20 năm nhưng không được triển khai, khiến người dân trong vùng quy hoạch bị hạn chế quyền lợi...”, ông Võ nói.

Ông Võ khuyến nghị Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát xem xét thu hồi theo đúng quy định pháp luật nếu sau 3 năm công bố dự án, công bố quy hoạch không triển khai. Với những quy hoạch thuộc dự án của thành phố, có thể kéo dài để tìm nguồn vốn, nhưng cần phải làm rõ được 3 vấn đề: Tính khả thi - Nguồn vốn thực hiện (ngân sách nhà nước, BT, đấu giá đất) - Thời hạn triển khai. Với những dự án do doanh nghiệp lập quy hoạch cần xem xét năng lực của chủ đầu tư, nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo các điều kiện phải kiên quyết thu hồi giao cho đơn vị có đủ năng lực hơn chứ không thể để cho doanh nghiệp “giữ chỗ”, trong khi quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Theo ông Võ, quy định hiện hành đã cho phép cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng thu hồi những dự án chậm triển khai, xoá bỏ quy hoạch không còn phù hợp nhưng việc giám sát và quản lý quy hoạch tại Hà Nội chưa thực tốt, nên nhiều quy hoạch cũ không còn phù hợp vẫn tồn tại mặc dù khả năng được thực hiện không khả thi.

“Luật Đất đai 2003 và 2013 đều quy định, người dân chỉ bị hạn chế quyền khi đất đã có quyết định thu hồi, hoặc nhà nước có văn bản nói rõ thời điểm thu hồi đất triển khai dự án. Đối với các khu quy hoạch nhiều năm nhưng chưa triển khai, chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo quận, huyện và các cơ quan chuyên môn giải quyết quyền lợi hợp pháp cho người dân như làm sổ đỏ, xây dựng và sửa chữa nhà ở, nhập - tách hộ khẩu…, nếu chỉ vì một đề án quy hoạch chưa có thời hạn triển khai mà hạn chế quyền lợi của người dân là không phù hợp với quy định hiện hành…”, ông Võ phân tích thêm.

Quy hoạch không phù hợp cần xóa bỏ

Hàng loạt quy hoạch được lập 15-20 năm trước nhưng hiện giờ vẫn “treo” sau nhiều lần điều chỉnh, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhận định, từ năm 1998 đến nay, quy hoạch nội đô Hà Nội đã nhiều lần thay đổi sau khi Thủ tướng Chính phủ duyệt Quy hoạch Thủ đô 2011, sau đó là Luật Thủ đô có hiệu lực pháp luật. Mỗi lần thay đổi, cơ quan chức năng đều thực hiện rà soát thay thế quy hoạch cũ không phù hợp bằng quy hoạch mới có tính khả thi cao hơn, quy hoạch không tồn tại mãi. Theo ông Nghiêm, tất cả các dự án được duyệt đều được ghi rõ thời hạn triển khai, nếu quá thời hạn doanh nghiệp không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền thu hồi dự án và thu hồi quy hoạch. Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan chuyên ngành còn bị buông lỏng, dẫn đến nhiều quy hoạch đã quá thời hạn triển khai vẫn vô tư tồn tại.

Theo ông Nghiêm, quy hoạch Dự án dải đất phía Nam Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) thuộc quy hoạch nội đô Hà Nội, nhưng quy hoạch nội đô hiện chưa được phê duyệt, nhiều quy hoạch phân khu chưa được duyệt, các quy hoạch hiện hành vẫn phải tham khảo quy hoạch cũ và chờ quy hoạch phân khu, dẫn đến nhiều vướng mắc. Để xử lý tình trạng quy hoạch “treo” gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân, ông Nghiêm đề xuất thành phố sớm thực hiện việc rà soát, công bố xoá bỏ những quy hoạch không còn phù hợp để người dân biết, đồng thời làm căn cứ cho chính quyền các cấp giải quyết quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Đối với những dự án do doanh nghiệp lập quy hoạch công bố 3 năm chưa triển khai, Hà Nội cần rà soát, thống kê, đánh giá tính khả thi và năng lực thực hiện của doanh nghiệp. Nếu quy hoạch vẫn còn khả thi nhưng doanh nghiệp được giao không còn đủ năng lực, cần có biện pháp thu hồi giao cho các đơn vị có đủ năng lực thực hiện đảm bảo quy hoạch được thực hiện, nhà nước có nguồn thu ngân sách và không gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân.

Nằm trong nhóm những quận có số lượng quy hoạch lớn được lập từ nhiều năm trước nhưng chưa triển khai, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xem xét xóa bỏ những quy hoạch không còn phù hợp để chính quyền địa phương có cơ sở giải quyết quyền lợi cho người dân. Với những quy hoạch còn phù hợp cần đưa ra lộ trình triển khai giúp chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong việc quản lý.

MỚI - NÓNG