Quy hoạch 'đắp chiếu' làm khổ hàng vạn dân

Hằng ngày người và phương tiện chen nhau lưu thông qua nút thắt “cổ chai” nối ngõ 102 Trường Chinh với ngõ 91 Lương Định Của.
Hằng ngày người và phương tiện chen nhau lưu thông qua nút thắt “cổ chai” nối ngõ 102 Trường Chinh với ngõ 91 Lương Định Của.
TP - Hàng trăm quy hoạch xây dựng tại Hà Nội nhiều năm qua rơi vào tình trạng “đắp chiếu” khiến cho hàng vạn người dân khốn khổ do nhà không được cấp phép, bán không ai mua, phải sống thấp thỏm, tạm bợ.

Quy hoạch 'đắp chiếu' làm khổ hàng vạn dân ảnh 1 Hằng ngày người và phương tiện chen nhau lưu thông qua nút thắt “cổ chai” nối ngõ 102 Trường Chinh với ngõ 91 Lương Định Của.

Không hẹn ngày...triển khai

Từ cuối những năm 1970, Công viên Tuổi trẻ (Hai Bà Trưng) được thành phố lập quy hoạch mở rộng trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng hiện đại cho người dân khu vực quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay quy hoạch vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai, còn cuộc sống của 1.000 hộ dân tổ dân phố số 1, 2, 4 phường Thanh Nhàn tiếp tục phải “đánh đu” theo bản quy hoạch chưa hẹn ngày thực hiện. Việc rơi vào vùng quy hoạch “treo” là nguyên nhân khiến người dân không được làm sổ đỏ, không được xây, sửa nhà, không được làm hộ khẩu…

Sau khi báo chí phản ánh, tháng 8/2016, UBND thành phố Hà Nội đã “chốt” xem xét 2 phương án “giải cứu” người dân vùng quy hoạch theo hướng, điều chỉnh ranh giới đưa toàn bộ khu dân cư 1, 2, 4 ra khỏi vùng quy hoạch dự án để tồn tại chỉnh trang tại chỗ (phương án 1), hoặc xem xét dành 5.500m2 - dành 8.500m2, tiếp giáp phố Kim Ngưu xây dựng toà nhà cao tầng phục vụ tái định cư tại chỗ cho toàn bộ các hộ dân phải GPMB (phương án 2). Đồng thời, thành phố cũng đồng ý cho một tập đoàn tư nhân vào lập quy hoạch chi tiết và đề xuất dự án đầu tư Công viên Tuổi trẻ theo quy hoạch đã được lập. 

Thực hiện chỉ đạo, UBND quận Hai bà Trưng và phường Thanh Nhàn đã tiến hành rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất các tổ dân phố nằm trong vùng quy hoạch, báo cáo các cấp chính quyền. Tuy nhiên, cho đến nay nhà đầu tư và các cơ quan đều chưa đưa ra lộ trình triển khai khiến người dân bức xúc.

Quy hoạch Công viên Đống Đa nằm trên địa bàn quận Ba Đình và Đống Đa rơi vào tình trạng tương tự. Phục vụ cho dự án xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa giai đoạn một, năm 2001, UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 6358/QĐ-UB, thu hồi hơn 7 ha đất tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (quận Ba Đình). Sau nhiều lần xem xét, đến nay dự án chưa được triển khai, nhiều diện tích đất đã GPMB được cho tư nhân thuê. Phần đất quy hoạch Công viên Đống Đa đã biến thành hàng trăm ngôi nhà kiên cố cao từ 1,5 đến 3 tầng.

Tại quận Thanh Xuân, dự án Công viên Đầm Hồng được lập năm 1999, theo Quyết định số 112 của UBND thành phố Hà Nội với mục tiêu xây dựng một công viên đồng bộ, hiện đại. Nhưng đến nay số phận dự án được quy hoạch cũng rơi vào cảnh “hẩm hiu” chưa hẹn ngày khởi động khiến số phận gần 500 hộ dân thuộc phường Khương Đình - Khương Trung sống cảnh “vô chủ”, nhà không được sửa chữa vì chưa có sổ đỏ. Theo ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, nhiều năm qua, quận đã có văn bản báo cáo UBND thành phố và các cơ quan chức năng kiến nghị cho triển khai dự án sớm, hoặc xem xét xóa quy hoạch nếu không còn phù hợp để người dân được cấp sổ đỏ.

Không chỉ có các dự án công viên, một số quy hoạch giao thông được xem là cấp thiết với cả khu dân cư lớn cũng bị “treo” vô thời hạn. Đơn cử, dự án mở rộng đường nối ngõ 102 Trường Chinh sang đường Lương Định Của thuộc quận Đống Đa được xem như thiết yếu sau khi hình thành nên 4 khối nhà chung cư với hàng nghìn căn hộ trong khu vực. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, hàng ngày nhiều nghìn lượt người và phương tiện vẫn phải chen nhau lưu thông qua một nút thắt “cổ chai” rộng chưa đầy 2m!

Lập quy hoạch để “giữ chỗ”?

Tình trạng quy hoạch được lập rồi “treo” vô thời hạn không chỉ tồn tại ở các dự án công cộng, mà còn xảy ra với những quy hoạch nhà ở được giao cho doanh nghiệp lập từ hàng chục năm trước.

Được lập quy hoạch lần đầu vào năm 2002, dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo sau khi Cty CP Tu tạo & Phát triển Hà Nội triển khai Dự án đầu tư xây dựng tại đây. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án đã trải qua hai lần điều chỉnh vào các năm 2011  và 2017, chủ đầu tư vẫn chưa có kế hoạch triển khai dự án, mặc dù toà nhà tái định cư tại chỗ đã được hình thành nhiều năm qua. Phần diện tích đất gần 32.000m2, nằm tiếp giáp đường Đại Cồ Việt, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu thuộc phường Lê Đại Hành - Bách Khoa (Hai Bà Trưng) vẫn là những căn nhà lụp xụp, hạ tầng xung quanh đều đã xuống cấp, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng do hệ thống cống thoát nước chưa được làm mới cũng chỉ vì vướng quy hoạch.

Gần nhất, cuối năm 2016, UBND thành phố và các cơ quan chức năng Hà Nội đã có ý kiến để  Cty CP Tu tạo & Phát triển Hà Nội tiến hành điều chỉnh ranh giới đưa 3 lô đất ra khỏi dự án do không còn phù hợp quy hoạch để người dân được tự cải tạo, chỉnh trang theo quy hoạch tổng thể đã được duyệt đảm bảo khớp nối với dự án (chưa triển khai) nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành, mặc dù Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong đã có văn bản đôn đốc.

Năm 1998, thành phố Hà Nội ra Quyết định số 2177/QĐ-UB, giao 7.851m2 đất tại phường Phương Liên cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư, Cty CP Đầu tư & Phát triển nhà số 6 là đơn vị được giao quản lý dự án xây dựng khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên- La Thành. Đến năm 2000, thành phố gia hạn thêm 12 tháng cho quận Đống Đa triển khai dự án. Tuy nhiên, đã 17 năm trôi qua, thành phố Hà Nội vẫn không thực hiện dự án, cũng không ra quyết định dừng triển khai dự án khiến quyền lợi của các hộ dân trong phạm vi quy hoạch bị ảnh hưởng.

Trước bức xúc của người dân, tháng 7/2016, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị dừng dự án do dự án được phê duyệt đã lâu, đến nay không còn phù hợp quy hoạch và không nhận được sự đồng thuận của người dân. Sau đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản kiến nghị UBND thành phố xem xét dừng triển khai dự án trên. Tuy nhiên, trong văn bản ban hành mới nhất, UBND thành phố vẫn giao UBND quận Đống Đa gia hạn triển khai thực hiện dự án sau 19 năm được lập quy hoạch.

MỚI - NÓNG