Và Dự thảo quy hoạch này đã trở thành một trong những nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, cả nước hiện có 838 cơ quan báo in, 67 Đài Phát thanh - Truyền hình với gần 200 kênh truyền hình, báo điện tử và các trang thông tin trên mạng cũng đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ.
Trước việc phát triển quá nóng của các loại hình báo chí trong thời gian qua, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, một số tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân đều nhận thấy rằng, đang có một sự lãng phí lớn về nguồn lực báo chí. Từ sự lãng phí này dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau và thiếu bản sắc.
Bên cạnh đó, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí, cũng không thể tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin. Sự cạnh tranh này dẫn đến việc có những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, giật gân, câu khách, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm đi tính giáo dục và định hướng, vốn là những giá trị truyền thống cao đẹp của báo chí cách mạng. Do vậy, việc quy hoạch lại báo chí trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
“Quy hoạch không chỉ thanh lọc, giảm bớt số lượng cơ quan báo chí mà quan trọng hơn là đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra hệ thống chính sách để xây dựng báo chí hợp lý về số lượng, nâng cao chất lượng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, mục tiêu quan trọng mà Đề án quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 hướng tới là sẽ quy hoạch trên tinh thần tổ chức lại, sắp xếp lại để báo chí vẫn đủ về số lượng nhưng nâng cao hơn về chất lượng, hiện đại và tự chủ, giảm tỷ lệ mất cân đối về hưởng thụ báo chí giữa thành thị với nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2025, các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ đối với các ấn phẩm phục vụ vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước. Mỗi tỉnh, thành sẽ có thể có ít nhất 2-3 cơ quan báo chí, nhằm tránh chồng chéo, nâng cao chất lượng báo chí.
Về báo in sẽ sắp xếp theo mô hình một cơ quan báo in sẽ có nhiều ấn phẩm khác nhau.
Với truyền hình sẽ sắp xếp theo hướng hiện đại, các cơ quan truyền hình tự sản xuất chương trình truyền hình của mình tối thiểu là 50% thời lượng phát sóng. Hạn chế phát lại truyền hình nước ngoài, nhất là phim. Tỷ lệ chương trình khai thác trên một kênh truyền hình không vượt quá 30%. Với báo điện tử, phải trở thành loại hình chủ lực của truyền thông đa phương tiện...
Bàn về Dự thảo Đề án quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2025 do Bộ TT&TT soạn thảo, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa diễn ra tại Hà Nội cũng đã có kết luận, khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Đề án này.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu Bộ TT&TT cần quán triệt quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt.
Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Kết luận của Ban chấp hành Trung ương cũng khẳng định, Bộ TT&TT cần bám chặt vào mục tiêu của Quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật.