Quy định “uống rượu không được lái xe”: Hơn 200 đại biểu không đồng tình

Các đại biểu “bấm nút” bày tỏ quan điểm về các phương án được quy định trong Dự Luật phòng chống tác hại rượu bia ảnh: Như Ý
Các đại biểu “bấm nút” bày tỏ quan điểm về các phương án được quy định trong Dự Luật phòng chống tác hại rượu bia ảnh: Như Ý
TP - Trước quan điểm khá trái chiều của các đại biểu về quy định cấm sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, chiều 3/6 Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến về nội dung này. Tuy nhiên, tất cả các phương án trong hai nội dung trên đều không nhận được tỷ lệ quá bán từ các đại biểu Quốc hội.

Nội dung đầu tiên lấy ý kiến đại biểu Quốc hội là quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông (khoản 8 điều 5 của dự thảo luật). Dự thảo luật đề xuất 2 phương án, một là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Hai là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tuy nhiên, cả hai phương án trên đều không nhận được “quá bán”.

Cho rằng, cách giải thích ở phương án 1 có thể gây hiểu nhầm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị giải thích rằng phương án này có thể hiểu một cách đơn giản là “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Sau khi ông Lợi có ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã xin Quốc hội cho… biểu quyết lại đối với phương án này, nhưng kết quả vẫn không quá bán, với tỷ lệ đồng ý chỉ hơn 44%.

Nội dung thứ hai lấy ý kiến là quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. Theo đó, hai phương án được đưa ra là bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau; hoặc không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia, nhưng kết quả cũng không có phương án nào đạt được tỷ lệ ủng hộ trên 50%.

Nội dung thứ 3 được lấy ý kiến là quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình (điểm c khoản 3 điều 12 dự thảo luật). Kết quả, 351 đại biểu (chiếm 72,52%) đồng ý với phương án quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Kết thúc chương trình lấy ý kiến đại biểu có lẽ chưa từng có tiền lệ ở Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Quốc hội của chúng ta đã rất dân chủ, lấy ý kiến rất thẳng thắn. Điều đó cho thấy không có một nhóm nào, một thế lực nào có thể tác động được vào luật”.

Sửa đổi Luật Ðất đai để giải quyết những vấn đề “nóng”

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, nhiều đại biểu bày tỏ sự không đồng tình với đề nghị của Chính phủ rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình. Theo đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), hiện nay có nhiều vấn đề bất cập trong Luật Đất đai cần phải sửa đổi như việc thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng, vì quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó là vấn đề giá đất, bồi thường, việc thực hiện các dự án BT và hàng loạt các vấn đề khác. Từ đó, ông Thân đề nghị tiếp tục đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình Quốc hội sang cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

MỚI - NÓNG