Quy định cụ thể hơn khi đưa người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện, trong đó có những điều kiện bảo đảm quyền của trẻ em theo luật định; thực trạng, quy định hiện hành, chế độ, những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo tính khả thi của việc tiến hành các trình tự, thủ tục đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết sớm ban hành Pháp lệnh này; cơ bản thống nhất với nội dung được đề cập tại Tờ trình, dự thảo Pháp lệnh và Báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Thường vụ tán thành cần có quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong dự thảo Pháp lệnh để làm căn cứ áp dụng. Cùng với đó, thống nhất không quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong Pháp lệnh này.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là kiểm sát hoạt động tư pháp, đúng thực tiễn hoạt động và đúng với phạm vi quy định của Pháp lệnh này.

Về việc tham gia phiên họp tại Tòa án của Trưởng phòng LĐTB&XH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc quy định theo hướng cho phép Trưởng phòng LĐTB&XH được ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên họp tại Tòa án, trong trường hợp Trưởng phòng không dự được.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để làm rõ thêm tình hình trẻ em bị nghiện ma túy, báo cáo đánh giá tác động, thực trạng các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước, chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện và trong đó có những điều kiện bảo đảm quyền của trẻ em theo luật định, thực trạng, quy định hiện hành, chế độ, những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo tính khả thi của việc tiến hành các trình tự, thủ tục trong Pháp lệnh này, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ sở xem xét, quyết định.

Ngoài ra, về các vấn đề khác như: các điều kiện về hoãn, miễn, tạm đình chỉ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các quy định về tính chất thân thiện; mời các chuyên gia tâm lý, y tế, giáo dục, xã hội học; Mặt trận, đoàn thể tham gia ý kiến với Tòa án, tham gia ý kiến trong quá trình quyết định việc đưa trẻ em vào cơ sở cai nghiện để đảm bảo quyền của trẻ em; về trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các cơ quan, vấn đề xác định và xác nhận tình trạng bệnh tật mà phải đưa ra khỏi cơ sở cai nghiện và các điều kiện bảo đảm. Các quy định này cần phải rõ ràng hơn, bảo đảm tính khả thi hơn.

Tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Hội nghị diễn ra từ 28 - 30/3, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).