Trẻ 12 - 18 tuổi đi cai nghiện ma tuý bắt buộc sẽ học tập thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì trại giáo dưỡng có đủ điều kiện đảm bảo quyền cho trẻ em về học tập, vui chơi, tiếp xúc gia đình, thăm nuôi... hay không?

Sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 9. Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục Toà án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, vấn đề này liên quan đến trẻ em, quyền con người, nên Viện Kiểm sát phải tiến hành kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ông Tới cũng cho rằng, cần cân nhắc về quy định thời hạn hai ngày bổ sung hồ sơ với các trường hợp đưa đi cai nghiện bắt buộc, bởi với nhiều trường hợp trẻ em lang thang cơ nhỡ, chưa xác định được hồ sơ lý lịch, nhân thân, các hành vi liên quan... rất khó.

Trẻ 12 - 18 tuổi đi cai nghiện ma tuý bắt buộc sẽ học tập thế nào? ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/3. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, vấn đề đặt ra trong Pháp lệnh liên quan đến luật pháp, hiến pháp, quy định của quốc tế, thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, trẻ em ở độ tuổi này đang hình thành nhân cách, có nhiều yếu tố nhạy cảm hơn so với người lớn.

Ông Phương cho rằng, hiện báo cáo đánh giá tác động của pháp lệnh còn thiếu, đặc biệt là tác động ở mặt tiêu cực. Cần thiết phải huy động các chuyên gia, nhà khoa học tâm lý lứa tuổi để phân tích, đánh giá, thể hiện trách nhiệm đầy đủ của xã hội với lứa tuổi này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, dường như các quy định mới chú ý đến những trẻ em "con nhà giàu chơi bời lêu lổng, sa vào cái này, chứ chưa chú ý nhiều đến đối tượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ".

Theo đó, cần làm rõ thủ tục, trình tự với những trường hợp trẻ em lang thang, cơ nhỡ, chưa xác định được bố mẹ, thân nhân... Đây là những đối tượng "đặc biệt", có nhiều nguy cơ. Thủ tục đối với trẻ em là người nước ngoài, trẻ em không có quốc tịch, lánh nạn, tị nạn thế nào...?

Ông Phương cũng đặt vấn đề, việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì trại giáo dưỡng có đủ điều kiện đảm bảo quyền cho trẻ em về học tập, vui chơi, tiếp xúc gia đình, thăm nuôi... hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng quan tâm đến khía cạnh thực tế của vấn đề này. Theo ông Hải, cần phải có nghiên cứu về hiện trạng hiện nay ra sao, tình hình có phức tạp không? Đây là vấn đề rất bức xúc, bức thiết, cử tri rất quan tâm.

Từ đó, ông Hải cho rằng, cần phải đánh giá tác động khi Pháp lệnh được thực hiện. Thời gian qua các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên toàn quốc không được đầu tư nhiều, vậy có đảm bảo được cơ sở vật chất, khía cạnh tâm lý khi đưa trẻ em vào. Ông Hải cho rằng, đây là vấn đề chung cần được quan tâm, thể hiện trách nhiệm với thế hệ trẻ.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện nay, trên toàn quốc có 116 cơ sở cai nghiện, trong đó có 97 cơ sở công lập. Những trường hợp cai nghiện bắt buộc đều đưa vào các cơ sở công lập, hiện có khoảng gần 40.000 người.

Theo ông Hồi, khi triển khai đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự kiến sẽ tăng thêm 50% (khoảng 20.000 người - PV), năng lực chỉ đáp ứng được một nửa con số tăng thêm. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nêu, nếu đưa trẻ em vào, sẽ phải cân nhắc đầu tư thêm về cơ sở vật chất để đáp ứng đúng theo quyền của trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, hiện nay vẫn chủ yếu để gia đình, cá nhân đăng ký cai nghiện tự nguyện.

"Trẻ em dưới 18 tuổi còn đi học, nếu đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì tổ chức học tập cho các em thế nào", ông Vinh nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, nên khuyến khích gia đình đăng ký cai nghiện tự nguyện, nếu gia đình không làm được thì mới đưa vào cơ sở bắt buộc và đầu tư cơ sở vật chất thoả đáng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, hiện nay tinh thần chủ yếu vẫn là tự nguyện cai nghiện, cả ở trung tâm, ở cộng đồng. Nhưng với những trường hợp tái nghiện, vi phạm nhiều lần thì nên xem xét việc đưa vào cai nghiện bắt buộc.

Theo ông Định, trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, xin ý kiến, có nhiều ý kiến nêu thực tế hiện nay, dù có những trường hợp đã chuẩn bị hồ sơ ra đến toà xét xử để đưa vào cai nghiện bắt buộc, nhưng gia đình xin tự nguyện cai nghiện thì vẫn được cho về. Có ý kiến cho rằng, đã xong hồ sơ, ra đến toà rồi thì không có "quay xe", lợi dụng chính sách để xin về nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải đánh giá kỹ hơn tác động của Pháp lệnh, bởi khi đưa trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ phải đảm bảo về cơ sở vật chất, nguồn lực... Ông Huệ cũng đề nghị làm rõ biện pháp đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được định danh. Trong quá trình thực hiện các quy định cần giám sát rất kỹ.

MỚI - NÓNG