Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo giải trình tiếp thu
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo giải trình tiếp thu
TPO - Sáng 13/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế.

Tiếp tục xem xét cơ chế đặc thù với Cần Thơ

Báo cáo giải trình trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc ban hành cơ chế đặc thù đối với các tỉnh trên cần cân nhắc để bảo đảm công bằng với các địa phương khác.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm cho các tỉnh, thành trên đều đã được các Nghị quyết của Bộ Chính trị quán triệt. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.

Để tăng cường hiệu quả quản lý, UBTVQH đề nghị việc thực hiện cần tuân thủ đúng nguyên tắc: Việc điều chỉnh và ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế; không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Về căn cứ thực tiễn, cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo tác động lan tỏa vùng miền.

Các tỉnh, thành được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá. Thừa Thiên- Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế.

Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.

“Xuất phát từ những lý do trên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng thí điểm cho các địa phương nêu trên. Trong thời gian tới, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục xem xét việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với thành phố Cần Thơ để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Tây Nam Bộ. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thí điểm sẽ nhân rộng, bảo đảm có cơ chế, chính sách phổ quát áp dụng trên diện rộng, trong phạm vi toàn quốc”, ông Cường nêu.

Không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp

Về cơ chế cụ thể, theo ông Nguyễn Phú Cường, việc quy định mức trần dư nợ vay đối với các địa phương là nhằm tạo dư địa cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, trên cơ sở tổng kết sẽ xác định mức phù hợp.

Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ nhu cầu huy động, dự kiến khả năng thu, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của từng địa phương, hằng năm Quốc hội quyết định mức vay cho từng địa phương, bảo đảm điều tiết hợp lý, công bằng.

Như vậy, việc áp dụng cơ chế này không ảnh hưởng đến dư địa vay của các địa phương khác.

Có ý kiến đề nghị không nên cho phép HĐND ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; khoản thu từ phí tham quan của tỉnh Thừa Thiên- Huế. UBTVQH cho rằng, để đảm bảo linh hoạt, kịp thời, bao quát hết nguồn thu phát sinh trên địa bàn; góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương để chi an sinh xã hội, việc trao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định phí, lệ phí là cần thiết.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tăng cường hiệu quả quản lý, UBTVQH đề nghị việc thực hiện cần tuân thủ đúng nguyên tắc: Việc điều chỉnh và ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế; không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Về quản lý quy hoạch, có ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật về quy hoạch để bảo đảm công bằng, minh bạch; báo cáo rõ lý do phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Đồng tình với nhận định trên, theo UBTVQH, một trong những mục tiêu khi ban hành Luật Quy hoạch là bảo đảm tính thống nhất quy hoạch trên cả nước.

Do đó, các quy định trong Dự thảo Nghị quyết chỉ cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị, không cho phép điều chỉnh quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất trong quy hoạch chung…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...