Quốc hội thảo luận Luật thi đua khen thưởng: Cần phòng vệ trước sự 'háo danh'

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận. Ảnh: Như Ý
Đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận. Ảnh: Như Ý
TP - Thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 28/10, ĐBQH cho rằng, tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân “viết báo cáo thành tích” thì mới đảm bảo ý nghĩa biểu dương. ĐB đề xuất số hóa dữ liệu khen thưởng, kỷ luật để phòng vệ trước thói háo danh.

Nặng hồ sơ, thủ tục

Nhận xét về một số nội dung trong dự thảo luật, ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, nếu đánh giá phong trào thi đua ở một số nơi còn mang tính hình thức thì ngay chính dự luật này vẫn còn nặng về thủ tục, hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua, khen thưởng, trong đó điều kiện kèm theo là báo cáo thành tích.

Theo ĐBQH, hầu như các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, năng động, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo thì mục đích cuối cùng không phải được ghi nhận và tôn vinh. Vậy báo cáo này nhằm mục đích gì, nếu chỉ để cơ quan quản lý nhà nước biết thì có vẻ không ổn, vì nó sẽ chứng tỏ năng lực quản lý đối với hoạt động của công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.

“Nếu duy trì báo cáo thành tích thì phải giải đáp thỏa đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng”, ông Nhân nêu vấn đề.

Quốc hội thảo luận Luật thi đua khen thưởng: Cần phòng vệ trước sự 'háo danh' ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Dẫn việc dư luận “dậy sóng” khi truyền thông liệt kê các sai phạm của một giám đốc sở gần đây mà trên con đường quan lộ của mình có không ít các danh hiệu thi đua, khen thưởng, ông Nhân đặt câu hỏi công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với các trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa ra sao?

Theo ông Nhân, những bất cập trong thi đua, khen thưởng đã để các thành phần cơ hội lợi dụng. “Chỉ khi nào Nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới đảm bảo ý nghĩa biểu dương”, ông Nhân bày tỏ quan điểm.

Đại biểu này đề nghị số hóa dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức, giúp công tác thẩm định cán bộ khoa học hơn, khen thưởng cũng trở nên thực chất, ý nghĩa hơn, tránh lọt lưới trường hợp không đủ điều kiện.

“Dự luật phải kích hoạt cơ chế phòng vệ trước thói háo danh, lan tỏa tinh thần hữu xạ tự nhiên hương trong xã hội”, ông Nhân phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, sửa Luật Thi đua khen thưởng lần này, cơ quan soạn thảo hết sức chú trọng để đảm bảo diện bao phủ rộng nhất. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn, tích lũy thành tích, không công bằng.

Đề nghị bỏ danh hiệu lao động tiên tiến

Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), hiện nay qua đánh giá hàng năm gần như 100% cán bộ, công chức, viên chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, “cuối năm nhiều người được danh hiệu lao động tiên tiến, giấy khen”. Nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này không có ý nghĩa cho vấn đề thi đua”, ông Thông nói.

Từ thực tế trên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị nên bỏ danh hiệu lao động tiên tiến, chỉ để lại danh hiệu lao động xuất sắc. Đồng thời siết chặt các tiêu chí thi đua để đổi mới công tác này đúng thực chất, có ý nghĩa động viên, đúng người hơn.

ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nêu ý kiến: Thành tích phải dựa trên công trạng của cá nhân, tập thể đạt được. Có như vậy, mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy.

Đại biểu đoàn Hà Nam đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng, đề nghị và quyết định khen thưởng.

Đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng) kiến nghị có các giải pháp để ngăn chặn tình trạng cào bằng, thậm chí nhường nhau để phân bổ danh hiệu nhằm hưởng quyền lợi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, sửa Luật Thi đua khen thưởng lần này, cơ quan soạn thảo hết sức chú trọng để đảm bảo diện bao phủ rộng nhất. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn, tích lũy thành tích, không công bằng.

“Chúng tôi đã nhấn mạnh rất rõ là thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó. Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng, công trạng, thành tích và chú trọng khen thưởng cho khu vực ngoài nhà nước, cho người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu”, bà Trà nói.

Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để làm sao đảm bảo quán triệt được đầy đủ nguyên tắc trên một cách rõ hơn.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.