Quốc hội thảo luận Luật Đất đai: Băn khoăn cụm từ 'Thu hồi đất'

Quốc hội thảo luận Luật Đất đai: Băn khoăn cụm từ 'Thu hồi đất'
TP - Ngày 22/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận (lần thứ hai) tại hội trường về Dự án Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, quy định “thu hồi đất” và “giá đất” khiến nhiều đại biểu chưa thực sự yên tâm.

> 'Thị trường bất động sản còn rất khó khăn'
> Thực hư nhà đầu tư ngoại thâu tóm BĐS Việt

Thu hồi đất quá rộng

Một số ĐB băn khoăn, cho rằng cần làm rõ hơn phạm vi quyền của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và quyền của người dân về đất đai; cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích trong quan hệ thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận). Ảnh: Hồng Vĩnh.

ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phân tích, Luật Đất đai dùng khái niệm “thu hồi đất” là chưa phù hợp. “Trong những năm 1930, chúng ta đã nêu khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

Cách mạng Nga cũng nêu khẩu hiệu “bánh mỳ và ruộng đất”. Sau khi chúng ta giành được chính quyền thì phải lo ruộng đất cho dân, dùng khái niệm “thu hồi đất” là không ổn. Vì “thu hồi đất” chỉ nên quy định đối với trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai” - Ông Việt nói. Tương tự, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng, khái niệm thu hồi đất có phần không ổn. “Đất đai vẫn là của Nhà nước sao Nhà nước lại phải thu hồi? Chỉ là thu hồi quyền sử dụng đất thôi chứ” - Ông Mạo lập luận.

Một số ĐB nhận xét quy định thu hồi đất tại Luật Đất đai còn chung chung, chưa cụ thể bằng quy định tại dự thảo Hiến pháp. “Phải quy định rõ các dự án nào phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nếu không quy định chi tiết đối với các trường hợp thu hồi đất, thì rất dễ bị lợi dụng, dẫn đến thu hồi tràn lan...” - ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lo ngại.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn)
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn).

ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đặt vấn đề phải chăng không nên quy định mọi trường hợp đều thu hồi đất bằng biện pháp hành chính. Thay vào đó, có thể chuyển sang hình thức thỏa thuận, quy định tại điều 73 của dự thảo ví dụ như một số dự án khai thác khoáng sản vì mục đích lợi nhuận của nhà đầu tư...

Đền bù phải cao hơn thu hồi

ĐB Huỳnh Nghĩa nói “giá đất là vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay không chỉ với Nhà nước, doanh nghiệp mà đối với hàng triệu hộ dân”. Chính giá đất không theo thị trường là nguyên nhân gây khiếu kiện. Nhưng quy định về nguyên tắc định giá đất tại dự thảo vẫn mang tính chủ quan, không biết đâu là chuẩn. “Cần có quy định đảm bảo công khai, minh bạch về giá đất và nên có cơ quan định giá đất độc lập”, ĐB Nghĩa đề nghị.

Vấn đề đền bù được ĐB Đồng Hữu Mạo nhìn nhận là “không thỏa đáng”. Bởi việc thu hồi đất hiện nay giống như “lấy lợi ích của người sử dụng đất để chuyển cho các doanh nghiệp, như vậy là không đúng”. “Nếu đền bù thỏa đáng rồi thì người dân cãi cọ làm gì”- ông Mạo lập luận và kiến nghị cần phải đền bù giá trị lớn hơn giá trị đất thu hồi. “Có thể đền bù bằng 1,3 lần giá đất quy định. Nói chung là phải đền bù với giá trị cao hơn cái đã thu hồi”- ông Mạo đề nghị.

Quy hoạch chỉ cò được lợi

Nhìn vào quy định tại dự thảo, không ít ĐB băn khoăn chưa thấy vai trò của người dân tham gia vào làm quy hoạch đất đai. Để tăng vai trò đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Trị) đề nghị nên quy định lấy ý kiến người dân về quy hoạch sử dụng đất. Sở dĩ người dân phản ứng vì họ không biết, không được tham gia vào quy hoạch đất đai. Sở hữu đất đai toàn dân, phải để dân được tham gia, bàn bạc và dân kiểm tra mới đúng.

“Như hiện nay, nhiều trường hợp dân không biết quy hoạch nhưng cò thì biết. Cuối cùng quy hoạch chỉ phục vụ cho co. “Cò biết, cò mua” hết để kiếm lời. Nhưng cũng có trường hợp cò biết rõ nên bán hết, dân không biết mua lại dẫn đến chịu thiệt thòi rất lớn...”, ông Phương nói.

Theo chương trình, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 29/11.

Làm luật chạy theo thành tích?

Sáng 22/11, thảo luận về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, việc làm luật còn chạy theo thành tích.

Đưa vào, rút ra trong chương trình xây dựng các dự án luật rất dễ dàng. Ông Hà băn khoăn, trong thời gian vừa qua một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm được ban hành thì Chính phủ và các ngành căn cứ vào đâu để điều hành công việc quản lý nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc tổ chức thực hiện luật thường chậm, không đồng bộ và thiếu cương quyết. Đặc biệt là thiếu các địa chỉ cụ thể khi sự việc liên quan trách nhiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.